Thông qua Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 06/12/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định đã thông qua Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu đến năm 2030, Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại. Cụ thể một số nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN VÀ CÁC ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm phát triển:

(1) Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, các quy hoạch ngành và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của cả nước. Tổ chức không gian phát triển các hoạt động kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh phải bảo đảm phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; hình thành rõ nét các vùng động lực, các cực tăng trưởng, các hành lang kinh tế, bao gồm tuyến vành đai ven biển, các trung tâm kinh tế.
(2) Phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi không gian phát triển, thực hiện hiệu quả các khâu đột phá về nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng; đầu tư có trọng điểm vào các trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh. Theo đó, đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư, kinh doanh; đào tạo, thu hút và sử dụng nhân tài hiệu quả; tập trung nguồn lực đầu tư cho các dự án phục vụ dự án hạ tầng trọng điểm, nhất là hạ tầng giao thông phía Bắc tỉnh, hạ tầng các khu đô thị, khu công nghiệp kết nối với sân bay, cảng biển trên địa bàn tỉnh.
(3) Phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bình Định trên cơ sở thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên trong và bên ngoài, nhất là nguồn vốn đầu tư, công nghệ cao, nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó xác định nội lực, tiềm năng của tỉnh, nhất là tiềm năng kinh tế biển; nguồn lực bên ngoài và việc kết nối liên vùng, với các nước trong tiểu vùng Mê Công, hội nhập quốc tế, với hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, thu hút đầu tư là động lực mang tính quyết định để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng của Bình Định. Khai thác cơ hội đầu tư phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ logistics gắn liền cảng biển, sân bay khi các công trình giao thông trọng điểm của quốc gia, của địa phương được triển khai trên địa bàn tỉnh.
(4) Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Bình Định làm trung tâm nhằm phát huy sức mạnh nội sinh quan trọng, đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tốt đẹp của đồng bào các dân tộc; bảo đảm vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của địa phương, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa của đất nước, của nhân loại, để văn hóa thực sự là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế; nhất là trong các lĩnh vực du lịch, thương mại, dịch vụ…
(5) Phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm quốc phòng, an ninh và đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trưởng sinh thái, giữ gìn bản sắc văn hóa. Theo đó, gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển kinh tế với đầu tư xây dựng các công trình phòng thủ và bảo vệ chủ quyền, nhất là chủ quyền biển đảo của quốc gia, ngăn chặn hiệu quả các nguy cơ, rủi ro thiên tai biến đổi khí hậu; phát triển vùng kinh tế động lực đi đôi với cải thiện hạ tầng và nâng cao mức sống của người dân tại các vùng khó khăn ở ba huyện miền núi của tỉnh; đẩy mạnh chuyển đổi số, công nghiệp hóa, đô thị hóa đi đôi với giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn Bình Định.
(6) Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực, chủ động tận dụng tốt nhất cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 đưa Bình Định trở thành một trong những điểm đến, nơi hội tụ của các nhà khoa học, trung tâm về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Vùng thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
(7) Phát triển kinh tế xã hội của tỉnh dựa trên 3 cực phát triển: cực Đông Nam là Quy Nhơn và vùng phụ cận; cực phía Bắc là Thị xã Hoài Nhơn, cực phía Tây là đô thị Tây Sơn.

2. Mục tiêu phát triển đến năm 2030:

a) Mục tiêu tổng quát:

Đến năm 2030, Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại. Kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ du lịch, cảng biển – logistics; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đô thị hóa. Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thuộc nhóm cao của cả nước. Có kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, hiện đại, hệ thống đô thị phát triển theo hướng đô thị thông minh, kết nối thuận tiện với các trung tâm kinh tế của vùng, cả nước và quốc tế. Tập trung phát triển đô thị Quy Nhơn hiện đại về không gian, kiến trúc, khai thác tiềm năng, lợi thế đặc biệt về cảnh quan và khí hậu khu vực ven đầm Thị Nại; quy hoạch xây dựng Trung tâm hành chính mới của tỉnh tại Khu kinh tế Nhơn Hội; phát triển Khu Đô thị Khoa học mang tầm cỡ quốc gia. Kiên trì thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; bảo vệ hệ sinh thái và cảnh quan thiên nhiên; thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; bảo tồn và phát huy tốt bản sắc, các nét đẹp văn hoá các dân tộc; đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

b) Mục tiêu cụ thể:

– Về kinh tế:
+ Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 – 2030 đạt từ 8,5% trở lên, trong đó giai đoạn 2021 – 2025 đạt bình quân 7 – 7,5%/năm và giai đoạn 2026 – 2030 đạt 9,8% – 10,8%/năm (giá so sánh 2010).
+ Tăng trưởng của các ngành kinh tế giai đoạn 2021 – 2030: ngành nông nghiệp tăng trưởng 3,2% – 3,3%/năm; công nghiệp – xây dựng tăng 12,2% – 13,2%/năm; dịch vụ tăng 8,1% – 8,3%/năm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 10,4% – 10,7%/năm.
+ Cơ cấu kinh tế đến năm 2030: ngành nông nghiệp chiếm 16,8% -17,5%; công nghiệp – xây dựng chiếm 41,3% – 43,3%; dịch vụ chiếm 34,8% – 35,9%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,1% – 5,3%;
+ GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đến năm 2030 là 204 – 213 triệu đồng/người (tương đương khoảng 7.500 – 7.900 USD);
+ Tăng trưởng NSLĐ: Tăng bình quân 8,3%/năm giai đoạn 2021 – 2030.
+ Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 đạt 30-35 nghìn tỷ đồng/năm.
+ Tổng lượt khách du lịch đến năm 2030 đạt 12 triệu khách, trong đó có 2,5 triệu lượt khách quốc tế và 9,5 triệu lượt khách du lịch nội địa/năm.
+ Vốn đầu tư huy động giai đoạn 2021-2030: Khoảng 800-850 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 29-30 tỷ USD).
+ Kinh tế số chiếm 30% GRDP.
– Về xã hội:
+ Quy mô dân số toàn tỉnh khoảng 1,6 triệu người.
+ Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 60% .
+ Có 90% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới; giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, mỗi năm giảm từ 3-4%; năm 2030, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 2%.
+ Tỷ lệ lao động có việc làm trên tổng số lao động của tỉnh đạt 97,9%. Tỷ lệ lao động có việc theo khu vực kinh tế: Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 20%; công nghiệp, xây dựng chiếm 35%; dịch vụ chiếm 45%.
+ Tỷ lệ lao động qua đào tạo và bồi dưỡng nghề đạt 76%. Tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ chiếm 40%.
+ Có hơn 70% số trường mầm non được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục; trên 75% số trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; trên 90% số trường tiểu học, trên 95% số trường THCS và trên 60% số trường THPT đạt trường chuẩn quốc gia.
+ Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 97%; đạt 43 giường bệnh, 11 bác sỹ/vạn dân, 2 dược sỹ đại học/vạn dân;
+ Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 90%; tỷ lệ xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới đạt 70%.
+ Chỉ số phát triển con người (HDI): 0,7-0,8.
– Về môi trường:
+ Độ che phủ của rừng duy trì ở mức 58,0%.
+ Thu gom xử lý trên 95% chất thải rắn ở đô thị và trên 90% ở nông thôn.
+ 100% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó trên 80% được sử dụng nước sạch; tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch đạt trên 95%. Đảm bảo cấp nước cho các khu, cụm công nghiệp.
– Về kết cấu hạ tầng:
+ Hạ tầng thông tin và truyền thông của tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; hoàn thiện hạ tầng 4G, ưu tiên phát triển mạng 5G tại các khu – cụm công nghiệp, khu vực trung tâm huyện, thị xã, thành phố, khu du lịch, bệnh viện trường học.
+ Đầu tư phát triển mạng lưới giao thông từng bước đồng bộ một số công trình hiện đại chất lượng cao. Hình thành hệ thống giao thông vận tải hợp lý giữa các phương thức. Tổng hàng hóa thông qua khoảng 102 triệu tấn và năng lực vận tải hành khách khoảng 103 triệu hành khách.
+ 100% hộ dân được sử dụng điện; hoàn thiện đưa vào sử dụng tất cả các công trình thủy điện, điện gió, lưới điện chuyển tải đã được quy hoạch và phê duyệt đầu tư.
+ Mạng thông tin di động 5G phủ sóng 100% dân số trên địa bàn tỉnh; hình thành nền tảng dữ liệu và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước; trên 90% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến, người dân chỉ phải nhập dữ liệu một lần.
– Về đảm bảo quốc phòng, an ninh:
+ Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh ngày càng vững chắc; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

3. Các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá của tỉnh

a) Các trụ cột phát triển:

(1) Tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp 4.0, trọng tâm là công nghiệp chế biến chế tạo giá trị cao. Chú trọng đầu tư phát triển công nghiệp sản xuất thép, điện gió ngoài khơi, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến sâu nông, lâm, thuỷ sản, sản xuất dược phẩm, linh kiện điện tử, bán dẫn, công nghiệp công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo…, tạo nền tảng và góp phần quyết định thúc đẩy tăng trưởng và phát triển cho tỉnh.
(2) Phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Xây dựng Bình Định trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu khu vực với những nét đặc trưng riêng: du lịch biển, du lịch văn hóa đặc sắc và các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh như du lịch khám phá khoa học, du lịch gắn với võ cổ truyền, bài chòi dân gian Bình Định, ẩm thực… Tập trung phát triển, quảng bá thương hiệu du lịch, lấy điểm nhấn là “Quy Nhơn – điểm đến hàng đầu của châu Á”; hình thành, phát triển các tuyến du lịch mới trong tỉnh.
(3) Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản dựa trên công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, chuyển từ số lượng sang chất lượng. Chú trọng ứng dụng khoa học, công nghệ để hiện đại hoá và nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, đẩy mạnh chăn nuôi công nghệ cao, thực hành khai thác, nuôi trồng thuỷ sản và trồng rừng bền vững; nâng cấp chuỗi giá trị nông nghiệp thông qua thu hút các nhà đầu tư lớn vào các khâu trong chuỗi giá trị từ nuôi trồng, sản xuất đến chế biến, phân phối.
(4) Phát triển mạnh mẽ dịch vụ cảng biển –  logistics, nhằm khai thác hết tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển của tỉnh; nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, thúc đẩy dịch vụ cảng biển –  logistics trở thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại của tỉnh. Tăng cường kết nối, mở rộng hoạt động logistics gắn với quá trình đô thị hoá, đồng bộ hoá kết nối giao thông và phát triển kinh tế. Đầu tư và khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt đô thị kết nối Quy Nhơn – Nhơn Hội – Phù Cát và vùng phụ cận. Tập trung khai thác hiệu quả cụm cảng Quy Nhơn gắn với phát triển hệ thống cảng cạn và hiện đại hóa dịch vụ cảng, tối đa hóa công suất hiện có; nghiên cứu xác định địa điểm và kêu gọi đầu tư xây dựng cảng mới có công suất lớn và đa năng; khai thác tốt vận tải hàng không; xúc tiến việc quy hoạch xây dựng khu công nghiệp sản xuất gia công hàng điện tử, bán dẫn gần sân bay nhằm tận dụng lợi thế vận tải hàng không của sân bay Phù Cát. Nâng cấp sân bay Phù Cát trở thành sân bay quốc tế phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và của khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Xây dựng đô thị sân bay gắn với KCN Hòa Hội để phát triển công nghiệp điện tử, bán dẫn. Phát triển công nghiệp, đô thị, logistics dọc các tuyến cao tốc Bắc – Nam và cao tốc Quy Nhơn – Pleiku.
(5) Phát triển đô thị nhanh và bền vững, đô thị hóa trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Xây dựng đô thị thông minh, phát triển đô thị gắn với hình thành, phát triển đô thị khoa học, thung lũng sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo và trí tuệ nhân tạo (AI), các trường đại học. Phát triển, mở rộng thành phố Quy Nhơn về phía Đông Bắc, lấy đầm Thị Nại là trung tâm; xây dựng trung tâm hành chính mới của tỉnh tại Khu Kinh tế Nhơn Hội trên cơ sở chuyển đổi đất công nghiệp sang đất đô thị, dịch vụ. Tiếp tục phát triển khu đô thị mới Nhơn Hội và các đô thị trên địa bàn theo quy hoạch; xây dựng chuỗi đô thị biển gắn với tuyến đường ven biển đoạn Cát Tiến – Đề Gi – Mỹ Thành – Lại Giang; phát triển các khu đô thị mới, các khu dân cư gắn với phát triển các khu công nghiệp; việc nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông đường bộ (bao gồm cả đường bộ cao tốc), đường sắt (bao gồm cả đường sắt đô thị) và nâng cấp sân bay Phù Cát gắn liền với việc hình thành các khu đô thị dịch vụ.

b) Các đột phá phát triển:

(1) Xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông cho vùng phía Bắc tỉnh nhằm thúc đẩy cực tăng trưởng phía Bắc tỉnh; hình thành các tuyến giao thông quan trọng kết nối liên tỉnh, liên vùng; kết nối với cảng hàng không Phù Cát, cảng Quy Nhơn. Đồng thời, chú trọng nâng cấp, phát triển mạng lưới hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng thông tin, hạ tầng đô thị, công nghiệp, nhất là các đô thị trung tâm và khu kinh tế động lực của tỉnh.
(2) Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tái cơ cấu nền kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương. Theo đó, quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh và phát triển các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, thực hiện hiệu quả, toàn diện các mục tiêu chuyển đổi số trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, trọng tâm là nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).
(3) Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo định hướng phát triển của tỉnh, nhất là nhân lực công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao; thực hiện chính sách thu hút lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh. Theo đó, thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch thu hút, đào tạo, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường hợp tác với các trường đại học hàng đầu trong việc đào tạo các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật & toán học (STEM), về trí tuệ nhân tạo (AI).

4. Tầm nhìn đến năm 2050:

Đến năm 2050, Bình Định tiếp tục thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu khu vực miền Trung với GRDP bình quân đầu người và tỷ lệ đô thị hóa cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Bình Định trở thành trung tâm kinh tế biển; trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam; trung tâm du lịch lớn của cả nước, trung tâm kết nối khu vực Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; Tây nguyên và hành lang kinh tế Đông – Tây. Kinh tế phát triển bền vững dựa trên các trụ cột: khoa học và công nghệ; công nghiệp chế biến chế tạo; công nghiệp công nghệ thông tin và AI; du lịch chất lượng cao; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và hệ thống logistics gắn liền cảng biển, cảng hàng không. Tỉnh có hệ thống đô thị thông minh, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Các hoạt động kinh tế, xã hội và quản trị của chính quyền vận hành chủ yếu theo phương thức của nền kinh tế số, xã hội số, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Các ngành sản xuất, dịch vụ phát triển theo phương thức thông minh và các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Doanh nghiêp trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế về một số sản phẩm mà tỉnh có lợi thế. Các giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh được bảo tồn, gìn giữ, phát huy hiệu quả, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Quốc phòng, an ninh, bao gồm an ninh trên biển và trật tự xã hội trên địa bàn được đảm bảo vững chắc.

II. PHƯƠNG HƯỚNG TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG KINH TẾ – XÃ HỘI

1. Phương án tổ chức liên kết không gian các hoạt động kinh tế – xã hội của tỉnh:

a) Phân vùng kinh tế – xã hội: 

Toàn tỉnh Bình Định được chia làm 02 vùng chính:
– Phân vùng Bắc gồm 04 đơn vị hành chính phía Bắc: Thị xã Hoài Nhơn, các huyện Phù Mỹ, Hoài Ân, An Lão; được xác định là vùng phát triển bảo tồn rừng tự nhiên, phát triển du lịch sinh thái; chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản công nghệ cao; các dự án năng lượng tái tạo; sản xuất thiết bị phụ trợ, chế biến gang thép, đóng tàu, cảng biển – logistics.
– Phân vùng Nam gồm 07 đơn vị hành chính phía Nam: Thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, các huyện Tuy Phước, Vân Canh, Phù Cát, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh; Là vùng động lực chính của tỉnh, phát triển đa ngành: công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử bán dẫn, nông nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ, cảng biển – logistics, đô thị thông minh, các dự án năng lượng tái tạo.


b) Các cực phát triển: 

03 cực phát triển bao gồm:
– Thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận được xác định là động lực chính, hạt nhân phát triển phía Đông Nam tỉnh Bình Định.
– Thị xã Hoài Nhơn là cửa ngõ phía Bắc đồng thời là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển phía Bắc tỉnh Bình Định.
– Huyện Tây Sơn (Đô thị Tây Sơn dự kiến) là cực phía Tây và là hạt nhân thúc đẩy phát triển phía Tây của tỉnh.
3 Cực phát triển của Bình Định

c) Các hành lang kinh tế:

 03 hành lang kinh tế:
– Hành lang kinh tế Bắc Nam: phát triển dọc theo Quốc lộ 1, kết nối các đô thị và cụm công nghiệp, khu công nghiệp của Bình Định với các cụm công nghiệp, khu công nghiệp dọc duyên hải Trung Bộ, phát triển công nghiệp, đô thị và thúc đẩy giao thương Bắc Nam.
– Hành lang kinh tế biển: dọc tuyến đường bộ ven biển (ĐT 639), kết nối các không gian kinh tế ven biển, phát triển đô thị du lịch dịch vụ biển, công nghiệp gang thép, công nghiệp phụ trợ, đóng tàu, cảng biển, nuôi trồng thủy hải sản ứng dụng công nghệ cao và năng lượng tái tạo.
– Hành lang kinh tế Đông Tây: phát triển dọc theo các tuyến Giao thông Đông Tây của Quốc lộ 19, thúc đẩy giao thương với vùng kinh tế thuộc các tỉnh Tây Nguyên là đầu mối xuất khẩu nông, lâm, thổ sản; nhập khẩu vật tư, máy móc, thiết bị, nguyên, nhiên liệu đầu vào của một số ngành sản xuất vùng Tây Nguyên.

2. Phương án phát triển những khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn, những khu vực có vai trò động lực:

a) Khu vực kinh tế trọng điểm (vùng động lực):

Vùng động lực của Bình Định
Khu vực kinh tế trọng điểm bao gồm thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận, thị xã An Nhơn; tiếp tục đảm nhận vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật tỉnh Bình Định; là một trong những trung tâm kinh tế biển của quốc gia, trung tâm công nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ, dịch vụ vận tải biển, y tế, giáo dục đào tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ của Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và Tây Nguyên; là đầu mối giao thông thuỷ, bộ quan trọng của vùng Trung Trung Bộ, là cửa ngõ ra biển Đông của vùng Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Thái Lan; là một trong những địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.

b) Các trục hành lang động lực:

Vùng hành lang động lực Bình Định
– Tuyến Quốc lộ 19: Là trục động lực chính, quan trọng của toàn vùng. Đây là tuyến giao thông tạo ra sự kết nối mạnh mẽ, thông suốt giữa tỉnh Bình Định và các tỉnh Tây Nguyên với cửa ngõ ra biển là cảng Quy Nhơn. Quốc  lộ 19 hỗ trợ phát triển kinh tế phía Đông Nam và Tây Nam tỉnh Bình Định mà trọng tâm là phát triển công nghiệp gắn với Khu kinh tế Nhơn Hội, các Khu công nghiệp Nhơn Hòa, Bình Nghi và hàng loạt các cụm công nghiệp dọc trục. Tuyến này tác động trực tiếp đến không gian phát triển của thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, huyện Tây Sơn.
– Tuyến Quốc lộ 1: Là trục phát triển kinh tế quan trọng kết nối Bình Định với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói riêng và hệ thống đô thị cả nước chung. Theo dọc tuyến tập trung phát triển hệ thống thương mại dịch vụ lớn, công nghiệp (Khu công nghiệp Phú Tài, Khu công nghiệp Long Mỹ,…), dịch vụ hàng không gắn với sân bay Phù Cát, dịch vụ logistics tại Phước Lộc, Tuy Phước và dịch vụ đường sắt gắn với ga tổng hợp Diêu Trì. Ngoài ra, Quốc lộ 1 có vai trò là trung điểm gắn kết các giữa vùng kinh tế phía Đông và phía Tây của Tỉnh. Tuyến này tác động trực tiếp đến không gian phát triển của thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn và các thị trấn Ngô Mây, Phù Mỹ, Bình Dương, Phước Lộc, Diêu Trì.
– Tuyến Quốc lộ 19B: Là trục hỗ trợ kết nối Khu kinh tế Nhơn Hội với các đô thị phía Tây của tỉnh. Phục vụ phát triển kinh tế công nghiệp, đô thị, du lịch. Tuyến này tác động trực tiếp đến không gian phát triển của thành phố Quy Nhơn, thị trấn Cát Tiến, huyện Tây Sơn.
– Tuyến Quốc lộ 19C: Là trục hỗ trợ phát triển kinh tế phía Tây Nam của tỉnh Bình Định, kết nối với Phú Yên; phục vụ phát triển Khu Công nghiệp – Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định và các khu logistics dọc tuyến. Tuyến này tác động trực tiếp đến không gian phát triển của thị trấn Diêu Trì, Vân Canh và Canh Vinh.
–  Tuyến Quốc lộ 1D: Là trục hỗ trợ phát triển kinh tế phía Đông Nam của tỉnh Bình Định, kết nối Bình Định với Phú Yên. Đây  là tuyến trọng điểm về phát triển du lịch của tỉnh Bình Định gắn với các khu vực Xuân Vân – Ghềnh Ráng, bãi tắm Hoàng Hậu, các bãi biển, khu du lịch trong chuỗi liên kết Quy Nhơn – Sông Cầu và dải du lịch miền Trung. Tuyến này tác động trực tiếp đến không gian phát triển của thành phố Quy Nhơn.
– Tuyến đường bộ ven biển ĐT.639: thúc đẩy kinh tế dọc hành lang ven biển, kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm của tỉnh dọc hành lang ven biển. Hình thành và phát triển không gian kinh tế biển bền vững. Định hướng xây dựng chuỗi đô thị du lịch biển, các khu du lịch, khu vực nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp gang thép, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo, cảng biển và năng lượng tái tạo.
– Tuyến đường tỉnh ĐT.638: Là trục hỗ trợ thúc đẩy phát triển vùng phía Tây của tỉnh Bình Định, kết nối Khu Công nghiệp – Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định đến Cảng Quy Nhơn, tuyến đường này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào Khu Công nghiệp – Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định.
– Tuyến đường tỉnh ĐT.629, ĐT.630: Là trục hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế vùng phía Tây Bắc của tỉnh Bình Định và làm tăng tính liên kết giữa chuỗi đô thị ven biển với các huyện miền núi. Hỗ  trợ phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, công nghiệp gắn với việc hình thành các khu, cụm công nghiệp và các vùng chuyên canh nông lâm nghiệp tại các huyện Hoài Ân, An Lão, Vĩnh Thạnh. Mặt khác, gắn kết khu bảo tồn của tỉnh Bình Định với khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng tạo ra cơ hội liên kết đẩy mạnh phát triển du lịch của hai tỉnh. Tuyến này tác động trực tiếp đến không gian phát triển của thị xã Hoài Nhơn và các thị trấn An Lão, An Hòa, Tăng Bạt Hổ, Ân Tường Tây.

c) Phương án phát triển vùng khó khăn:

Khu vực khó khăn có 30 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 5 huyện Vân Canh, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân và An Lão.
– Đẩy mạnh phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, phát triển lĩnh vực ngành nghề thủ công mỹ nghệ; năng lượng tái tạo. Tiếp tục huy động nguồn lực trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; hỗ trợ đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về rừng, đất rừng bảo đảm các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đều có đất, có rừng sản xuất; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao, bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trong tỉnh; thực hiện tốt công tác bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
– Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, cấp điện, xăng dầu, hạ tầng thương mại dịch vụ, cơ sở hạ tầng giáo dục và đào tạo, y tế theo lộ trình hợp lý cho vùng sâu, vùng xa.

3. Phương án sắp xếp không gian phát triển cho các hoạt động kinh tế – xã hội

a) Phân bố phát triển không gian công nghiệp: 

Không gian công nghiệp được phân bố theo 03 vùng chính như sau:
– Vùng dọc tuyến Quốc lộ 19, 19B, 19C và thành phố Quy Nhơn: Bao gồm thành phố Quy Nhơn, đô thị An Nhơn, đô thị Tây Sơn, huyện Tuy Phước, huyện Phù Cát và một phần huyện Vân Canh: Phát triển mạnh các ngành, sản phẩm công nghiệp bao gồm công nghiệp chế biến đồ gỗ, chế biến đá, thức ăn chăn nuôi, nhựa, công nghiệp sản xuất và lắp ráp điện, điện tử, dệt may, công nghiệp hàng tiêu dùng và công nghiệp phụ trợ và năng lượng tái tạo.
– Vùng đồng bằng ven biển và ven Quốc lộ 1 bao gồm Hoài Nhơn, Phù Mỹ và Phù Cát: Tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh như: chế biến thủy sản, chế biến khoáng sản; chế biến gang thép, đóng tàu; chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng (sản phẩm gạch ngói, bêtông, đá granite…), sản phẩm giấy, nhựa, may mặc, năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió ngoài khơi, ven bờ…); thu hút đầu tư phát triển công nghiệp sản xuất và lắp ráp điện, điện tử gắn với phát triển vùng sân bay Phù Cát. Đầu tư xây dựng và khai thác có hiệu quả trung tâm khai thác, chế biến thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá tại Vĩnh Lợi (Phù Mỹ). Hoàn thành xây dựng các cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát) và Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn). Xây dựng khu công nghiệp phục vụ cho công nghiệp luyện kim gắn với cảng biển tại thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn. Xây dựng một cảng tổng hợp ở huyện Phù Mỹ gắn với khu công nghiệp phục vụ công nghiệp nặng, cơ khí, đóng tàu, một số nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp, giấy, hóa chất và sản xuất thiết bị phụ trợ phục vụ phát triển công nghiệp, các dự án điện gió. Bên cạnh đó, xây dựng cảng biển ở thị xã Hoài Nhơn để phục vụ cho công nghiệp luyện kim.
– Vùng trung du miền núi bao gồm 4 huyện An Lão, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh và một phần huyện Vân Canh: Tiếp tục hình thành và phát triển các vùng chuyên canh trồng cây công nghiệp tập trung, trồng rừng gỗ lớn, vùng gỗ tạo nguyên liệu giấy, lâm đặc sản, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm tạo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy gia công chế biến sản phẩm đồ gỗ, chế biến sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt.
Ngoài ra, còn hình thành phát triển vành đai công nghiệp từ khu vực Canh Vinh, Canh Hiển (Vân Canh) đi An Nhơn, Phù Cát gắn kết với vùng phía Tây các huyện theo tuyến đường phía Tây tỉnh. Phát triển các dự án năng lượng tái tạo.

b) Phân bố phát triển không gian dịch vụ:

Hành lang thương mại Bắc – Nam: Theo tuyến Quốc lộ 1 là trục phát triển kinh tế quan trọng kết nối Bình Định với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói riêng và hệ thống đô thị cả nước chung. Theo tuyến Quốc lộ 1D là trục hỗ trợ phát triển kinh tế phía Đông Nam của tỉnh Bình Định, kết nối Bình Định với Phú Yên.
Hành lang thương mại Đông – Tây: Theo tuyến Quốc lộ 19 là trục động lực quan trọng phát triển thương mại, logistics của Bình Định và vùng Tây Nguyên. Tuyến Quốc lộ 19B là trục hỗ trợ kết nối Khu kinh tế Nhơn Hội với các đô thị phía Tây của tỉnh. Tuyến Quốc lộ 19C là trục hỗ trợ phát triển kinh tế phía Tây Nam của tỉnh Bình Định, kết nối với Phú Yên. Tuyến Quốc lộ 19 (mới) là trục hỗ trợ phát triển kinh tế phía Đông Nam của tỉnh Bình Định, kết nối Quốc lộ 1 với cảng Quy Nhơn, trọng tâm là phát triển các trung tâm Kho bãi, cảng cạn ICD, dịch vụ logistic.
Hành lang thương mại ven biển theo tuyến đường tỉnh ĐT.639: Là trục phát triển phía Đông của tỉnh kéo dài từ Tam Quan đến hết Bình Định đi Phú Yên. Trọng tâm phát triển các trung tâm nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản gắn với dịch vụ hậu cần nghề cá, trung tâm thương mại dịch vụ, năng lượng tái tạo, đô thị du lịch biển, cảng biển.
Không gian phát triển du lịch được phân bố thành 03 cụm như sau:
– Cụm du lịch thành phố Quy Nhơn và phụ cận: Thế mạnh là tài nguyên tự nhiên với các cảnh quan, hệ sinh thái ở bán đảo Phương Mai – Núi Bà, đầm Thị Nại, suối nước khoáng Long Mỹ, các bãi biển đẹp như Quy Nhơn, Hoàng Hậu, Quy Hoà… xen vào đó là các di tích lịch sử văn hoá có giá trị như Tháp Đôi, tháp Bánh Ít, chùa Long Khánh, mộ Hàn Mạc Tử, hồ Phú Hoà, chùa Linh Phong, mộ Đào Tấn… Khu Đô thị ven biển Hải Giang Meryland nằm sát cạnh nội thị Quy Nhơn là nguồn tài nguyên phục vụ  khách du lịch kèm dịch vụ dồi dào cho cụm và toàn tỉnh.
– Cụm du lịch Tây Sơn – An Nhơn và phụ cận: Tài nguyên du lịch của cụm phân bố tương đối tập trung trên khu vực huyện Tây Sơn, An Nhơn, Phù Cát và Tuy Phước. Thế mạnh của cụm du lịch này tập trung các nguồn tài nguyên nhân văn mà tiêu biểu là các di tích liên quan đến vua Quang Trung gắn với cuộc khởi nghĩa Tây Sơn và hệ thống Tháp Chăm tiêu biểu đặc trưng cho nghệ thuật kiến trúc Chămpa. Bên cạnh đó ở cụm du lịch này còn một số điểm du lịch hấp dẫn mà hầu như chưa được đầu tư khai thác như thắng cảnh Hầm Hô, thắng cảnh Hồ Núi Một, suối nước khoáng Hội Vân, hành lang Đông Tây liền kề với hệ sinh thái rừng nhiệt đới còn bảo tồn được ở khu vực.
– Cụm du lịch Hoài Nhơn và phụ cận: bao gồm các danh lam thắng cảnh, bãi biển đẹp tự nhiên như: Tam Quan, Hà Ra, Phú Thứ, Mũi Rồng, Tân Phụng, Vĩnh Lợi… ngoài các cơ sở du lịch nghĩ dưỡng đang được đầu tư xây dựng, tại đây còn tập trung các làng nghề truyền thống nổi tiếng của Bình Định, phát triển du lịch cộng đồng. Ngoài ra cụm này còn là nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử gắn với cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.
Xây dựng 03 tuyến du lịch bao gồm tuyến du lịch nghỉ dưỡng cao cấp dọc ven biển, dựa trên tuyến đường bộ ven biển; tuyến du lịch sinh thái, mạo hiểm, du lịch cộng đồng khu vực phía Tây và Tây Bắc, phát triển dựa trên tuyến QL19B dự kiến; tuyến du lịch văn hóa – lịch sử với các di tích văn hóa – lịch sử, văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh, phát triển dựa trên QL19.
Hình thành các điểm, khu du lịch gắn với tài nguyên thiên nhiên: Ghềnh Ráng (Quy Nhơn), đầm Thị Nại (Quy Nhơn), đầm Trà Ổ (Phù Mỹ), đầm Đề Gi (Phù Cát), Hầm Hô (Tây Sơn), hồ Núi Một (An Nhơn, Vân Canh), An Toàn (An Lão), La Vuông (Hoài Nhơn),…
Phát triển các khu du lịch gắn với tài nguyên văn hóa: Thành Hoàng Đế, hệ thống các tháp Chăm (Tháp Bánh Ít, tháp Đôi, tháp Cánh Tiên, tháp Dương Long, tháp Phú Lốc, tháp Thủ Thiện, tháp Bình Lâm), hệ thống chùa (Long Khánh, Phổ Quang, Thập Tháp, Linh Phong, Khu thiền viện Cát Tiến…), các di tích lịch sử – văn hóa khác phục vụ tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử.

c) Phân bố phát triển không gian nông, lâm nghiệp và thủy sản:

Vùng phát triển trồng trọt: Phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái. Vùng đồng bằng, vùng trũng: tập trung phát triển các vùng chuyên canh sản xuất rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày, hình thành các vùng sản xuất rau sạch, canh tác lúa theo hướng ứng dụng công nghệ cao hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch nhu cầu cho người dân ở các khu đô thị trên địa bàn tỉnh và khách du lịch. Các vùng địa hình tương đối bằng phẳng, có thể chủ động trong việc tưới tiêu, diện tích canh tác lớn: bố trí luân canh với một số cây trồng cạn khác để nâng cao giá trị sử dụng đất. Vùng tương đối bằng phẳng nhưng có độ chênh cao, hạn chế trong tưới tiêu, phân bổ chủ yếu ở các xã trung du miền núi: định hướng chuyển toàn bộ sang trồng cây trồng cạn khác phù hợp theo từng địa phương.
Vùng phát triển chăn nuôi: Hình thành vùng chăn nuôi công nghệ cao Nhơn Tân, thị xã An Nhơn với một số trang trại sản xuất giống chăn nuôi chất lượng cao tại huyện Tây Sơn, huyện Phù Cát và huyện Tuy Phước. Vùng trung du, miền núi, phát triển chăn nuôi quy mô trang trại, ưu tiên trang trại chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Vùng đô thị cần di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực nội thành, nội thị, khu dân cư tập trung xây dựng nhà ở liền kề – khu vực không được phép chăn nuôi.
Vùng phát triển thủy sản: Phát triển vùng chuyên canh thủy sản ở các địa phương ven biển, chạy theo trục Quốc lộ 1A và đường ven biển. Vùng chế biến thủy sản tập trung tại thành phố Quy Nhơn và thị xã Hoài Nhơn. Vùng đấu giá cá ngừ đại dương khu vực Đông Nam Á tại Hoài Nhơn. Xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (nuôi tôm) tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ. Vùng chuyên sản xuất giống tập trung tại Phù Mỹ. Phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá tại Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn), Đề Gi (huyện Phù Cát) và Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ). Di dời cảng cá Quy Nhơn ra Vĩnh Lợi, Mỹ Thành, Phù Mỹ.
Vùng phát triển lâm nghiệp: Bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng của các huyện phía Tây tỉnh; bảo vệ hệ thống rừng phòng hộ và rừng ngập mặn, ven biển
Theo https://skhdt.binhdinh.gov.vn/

TIN TỨC KHÁC

1