Quy hoạch xây dựng vùng huyện An Lão đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050

Quy hoạch xây dựng vùng huyện An Lão đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1016/QĐ-UBND tỉnh Bình Định

2. Phạm vi ranh giới, quy mô và thời hạn lập quy hoạch:

a) Vị trí, phạm vi ranh giới quy hoạch:

Bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của huyện, gồm thị trấn An Lão và 09 xã (An Dũng, An Hòa, An Hưng, An Nghĩa, An Quang, An Tân, An Toàn, An Trung, An Vinh). Có giới cận như sau:

  • Phía Bắc giáp: Huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi;
  • Phía Nam giáp: Huyện Hoài Ân và huyện Vĩnh Thạnh;
  • Phía Đông giáp: Thị xã Hoài Nhơn;
  • Phía Tây giáp: Huyện Kbang, tỉnh Gia Lai và huyện Vĩnh Thạnh.
Đường vào trung tâm thị trấn An Lão

b) Quy mô và thời hạn lập quy hoạch:

  •  Quy mô diện tích nghiên cứu lập quy hoạch: khoảng 696,88 km2.
  • Thời hạn lập quy hoạch: Giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030; giai đoạn dài hạn đến năm 2035; tầm nhìn định hướng đến năm 2050.

3. Mục tiêu, tính chất, chức năng quy hoạch:

  • Cụ thể hóa đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh; các chủ trương, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, của huyện về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu gắn với quá trình đô thị hóa.
  • Xác định cụ thể các vùng động lực phát triển, mô hình phát triển không gian vùng; định hướng tổ chức không gian hệ thống đô thị, phát triển dân cư, phân loại, phân cấp đô thị và xác định tính chất của từng đô thị; đảm bảo phát triển toàn diện, bền vững các lĩnh vực kinh tế – xã hội, đô thị và nông thôn mới trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của địa phương.
  • Là vùng phát triển kinh tế nông nghiệp, chế biến ứng dụng công nghệ cao và phát triển du lịch sinh thái.
  • Làm cơ sở để triển khai và quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và các dự án có liên quan.

4. Các chỉ tiêu dự báo phát triển vùng:

  • Dự báo phát triển dân số: Dân số hiện trạng khu vực khoảng 28.106 người; đến năm 2025 đạt khoảng 29.000 người; đến năm 2035 đạt khoảng 34.300 người.
  • Dự báo tỷ lệ đô thị hóa: Đến 2025 khoảng 52,3%; đến 2035 khoảng 55,4%.
  • Dự báo đất xây dựng: Đến năm 2025, đất xây dựng đô thị khoảng 350ha, đất xây dựng các điểm dân cư nông thôn khoảng 900ha; đến năm 2035, đất xây dựng đô thị khoảng 540ha, đất xây dựng các điểm dân cư nông thôn khoảng 950ha.

5. Định hướng phát triển không gian vùng:

5.1. Phân vùng phát triển kinh tế:

Phân vùng I:

Nằm ở phía Đông huyện, thuộc địa giới hành chính thị trấn An Lão và các xã: An Hưng, An Tân, An Hòa. Là vùng phát triển đô thị, dịch vụ thương mại và công nghiệp. Định hướng phát triển đô thị, thương mại dịch vụ dọc theo tuyến đường ĐT.629; cải tạo chỉnh trang đô thị An Lão và An Hòa, hình thành đô thị mới An Tân là đô thị loại V; phát triển công nghiệp chế biến lâm sản.

Phân vùng II:

Nằm ở trung tâm huyện, thuộc địa giới hành chính các xã: An Dũng, An Trung, An Vinh, An Quang và An Nghĩa. Là vùng phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa cộng đồng và nông nghiệp dưới tán rừng. Định hướng phát triển mô hình trang trại, nông nghiệp dưới tán rừng; hình thành các trung tâm du lịch sinh thái Hồ Đồng Mít, Thác Giáng Tiên, Trung tâm du lịch văn hóa cộng đồng An Vinh.

Phân vùng III:

Nằm ở phía ở Phía Tây huyện An Lão, thuộc xã An Toàn. Là vùng bảo tồn sinh thái tự nhiên, phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa cộng đồng và dược liệu. Định hướng phát triển bảo tồn các giá trị thiên nhiên; phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng và văn hóa cộng đồng, hình thành trung tâm du lịch sinh thái tại An Toàn; phát triển vùng dược liệu dưới tán rừng.

5.2. Định hướng phát triển hệ thống đô thị:

Giai đoạn 2021 – 2030, huyện An Lão có 2 đô thị loại V gồm đô thị An Lão và đô thị An Hoà; giai đoạn 2031 – 2035, huyện An Lão có 2 đô thị loại V gồm đô thị An Lão (mở rộng lấy thêm An Tân) và đô thị An Hoà.

Đô thị loại V – xã An Hòa

5.3. Định hướng phát triển điểm dân cư nông thôn:

Phát triển các điểm dân cư nông thôn trên cơ sở ổn định hệ thống dân cư hiện có, khoanh vùng phát triển mở rộng; tập trung phát triển các điểm dân cư ở khu vực trung tâm xã, dọc các trục đường chính của xã và trên cơ sở lấp đầy theo dân cư hiện hữu. Tiếp tục phấn đấu để huyện An Lão đạt chuẩn nông thôn mới; xây dựng, nâng cao chất lượng tiêu chí các xã nông thôn mới theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng công nghiệp, hiện đại, đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương.

5.4. Định hướng phát triển công nghiệp:

Duy trì và đầu tư hoàn thiện, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp hiện hữu; rà soát, nâng quy mô, mở rộng Cụm công nghiệp Gò Cây Duối để đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư.

5.5. Định hướng phát triển du lịch:

Kết nối du lịch huyện An Lão với không gian du lịch tỉnh Quảng Ngãi, huyện Vĩnh Thạnh (thông qua tuyến đường QL19B) và không gian du lịch ven biển thông qua tuyến đường kết nối Hoài Sơn – An Vinh. Hình thành tuyến du lịch dựa trên các tuyến đường giao thông chính kết nối các điểm du lịch thị trấn An Lão, hồ Sông Vố, thác Đá Ghe, Khu du lịch Hồ Đồng Mít, làng văn hóa cộng đồng An Vinh, Khu du lịch An Toàn (phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm, du lịch văn hóa cộng đồng, khai thác du lịch dưới tán rừng, kết hợp phát triển trồng sim, chè tại An Toàn), khu dự trữ sinh quyển An Toàn, đỉnh ngắm mây, cổng trời, thác Giáng Tiên, hồ Hưng Long,…

xã An Toàn phù hợp với phát triển du lịch sinh thái. Ảnh: Dũng Nhân

6. Định hướng phát triển hạ tầng xã hội:

6.1. Công trình giáo dục:

Phát triển hệ thống trường mầm non, phổ thông phù hợp theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa và hiện đại hóa; khuyến khích xã hội hóa phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập phù hợp với tình hình phát triển của huyện; duy trì nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học các cấp; bổ sung trường dạy nghề tại thị trấn An Lão.

6.2. Công trình y tế:

Phát triển đồng bộ mạng lưới và cơ sở hạ tầng, vật chất khám chữa bệnh; khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ sở y tế ngoài công lập. Định hướng mở rộng, cải tạo cơ sở vật chất 08 trạm y tế chưa đạt chuẩn yêu cầu về diện tích tối thiểu, đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.

6.3. Công trình văn hóa, thể dục thể thao:

Chú trọng giữ gìn, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa của huyện. Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh; tăng cường liên kết với ngành du lịch trong phát triển bền vững các dịch vụ văn hóa. Đẩy mạnh phong trào thể thao quần chúng và phát triển thể thao thành tích cao ở những môn có thế mạnh. Phát triển hệ thống thiết chế, công trình văn hóa, thể thao đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ các giá trị văn hóa, thể thao của người dân trên địa bàn. Đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy hiệu quả các di tích lịch sử – văn hóa, ưu tiên các di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia.

6.4. Công trình thương mại:

Phát triển chợ và các trung tâm thương mại tại trung tâm huyện, thị trấn. Tổ chức hệ thống các siêu thị ở các trung tâm thị trấn và các khu du lịch. Hoàn chỉnh hệ thống chợ nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa tạo điều kiện phát triển giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hóa của người dân.

6.5. Khu vực hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn:

Quy hoạch khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn được lồng ghép trong các chức năng của các cụm công nghiệp, khu dịch vụ – thương mại – du lịch, trung tâm hành chính xã… được xác định trong đồ án quy hoạch chung xây dựng xã.

6.6. Định hướng về đảm bảo an ninh quốc phòng:

Định hướng quy hoạch xây dựng đảm bảo quỹ đất xây dựng các công trình phục vụ cho mục đích an ninh quốc phòng trên địa bàn huyện.

7. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật:

7.1. Định hướng giao thông:

a) Giao thông đối ngoại:

  • Tuyến đường QL.19B thực hiện theo định hướng quy hoạch mạng lưới giao thông quốc gia.
  • Tuyến đường ĐT.629 (Hoài Nhơn – An Lão) kết nối từ QL1 tại thị xã Hoài Nhơn đến thị trấn An Lão, nâng cấp tuyến đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp IV. Kéo dài tuyến ĐT.629 từ Xuân Phong (An Lão) đến ranh giới tỉnh Quảng Ngãi trên cơ sở tuyến đường 5B hiện hữu, xây dựng mới đoạn tuyến tránh ĐT.629 đi qua trung tâm thị trấn An Lão đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp IV.
  • Xây dựng mới các tuyến đường kết nối An Lão – Bồng Sơn (ĐT.629B) đi qua địa bàn xã An Hòa và tuyến đường kết nối Hoài Nhơn – An Vinh (ĐT.638B), đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp IV.
  • Xây dựng cầu An Lão mới, nâng cấp đầu tư các công trình vượt lũ tại các điểm ngập nước.


b) Giao thông đối nội:

  • Nâng cấp và bê tông nhựa các tuyến đường huyện; hoàn thiện nâng cấp các tuyến đường huyện quan trọng như ĐH 01 (An Lão – An Vinh), ĐH 02 (An Hòa – An Hưng), ĐH 03 (An Hòa – An Toàn), ĐH 04 (Ba Ghế – An Nghĩa), ĐH 04B (An Hòa – An Hảo Tây), ĐH 05 (An Tân – An Hòa). Bổ sung các tuyến kết nối đường huyện tạo sự liền mạch, rút ngắn khoảng cách giữa các trục giao thông quan trọng (tuyến đường kết nối từ ĐH 01 (An Lão – An Vinh) đi ĐT.629; tuyến đường quanh hồ Đồng Mít; tuyến đường kết nối xã An Vinh đi xã An Nghĩa).
  • Giao thông đô thị: Phát triển mạng lưới giao thông đô thị hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách, lưu thông thuận lợi trong và ngoài đô thị; xây mới và nâng cấp các tuyến đường trục chính đi qua trung tâm thị trấn An Lão, đường nối các khu vực,…; bổ sung, hoàn thiện mạng lưới đường trong đô thị An Hòa đảm bảo mật độ và tính kết nối cao.
  • Giao thông nông thôn: Kế thừa và phát triển mạng lưới đường giao thông nông thôn hiện có; đầu tư nâng cấp đảm bảo phục vụ dân sinh và vận chuyển hàng hóa nông, lâm nghiệp; kết nối với hệ thống đường quốc gia, đường tỉnh và đường huyện.

c) Công trình đầu mối giao thông:

Nâng cấp, xây dựng bến xe tại trung tâm các tiểu vùng, các đô thị; quy hoạch bến xe theo định hướng quy hoạch hệ thống giao thông tỉnh đã được phê duyệt. Xây dựng bãi đậu xe tại các trung tâm khu đô thị, trung tâm xã, các khu du lịch, trung tâm thương mại,… đáp ứng cho nhu cầu phục vụ và phù hợp theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành có liên quan

 

TIN TỨC KHÁC

1