Phát triển đô thị tại Bình Định phải gắn kết tổng thể đô thị vùng

Khẳng định dư địa phát triển đô thị gắn với đô thị hóa của Bình Định còn rất lớn, TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, cho rằng phát triển đô thị nói chung và đô thị biển Bình Định nói riêng phải đặt trong tổng thể gắn kết đô thị vùng Duyên hải miền Trung, đồng thời kết nối với hai đầu Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ.

Phát triển đô thị xanh Bình Định về hướng biển

* Phát triển đô thị được tỉnh Bình Định rất quan tâm thời gian qua. Là người gắn bó với tỉnh, ông đánh giá như thế nào về điều này?

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX đã xác định 5 trụ cột phát triển, trong đó có trụ cột phát triển đô thị gắn với kinh tế đô thị. Đến năm 2021, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh là 46,1%, trên trung bình cả nước (40,4%). Phát triển đô thị của tỉnh Bình Định, đặc biệt 5 năm trở lại đây khởi sắc rất mạnh. Về mặt tổ chức mô hình quản lý, bên cạnh TP Quy Nhơn, 2 TX An Nhơn và Hoài Nhơn, còn mở rộng phát triển các thị trấn. Gần đây nhất, từ động lực phát triển của thị trường bất động sản đã hình thành một số đô thị mới.

Dư địa để phát triển đô thị gắn liền với đô thị hóa của Bình Định còn rất lớn. Tuy nhiên, nhìn chung các đô thị mới đang hình thành tại Bình Định chưa thể hiện sắc thái riêng. Đặc biệt, hướng tới mục tiêu phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh, nhưng rõ ràng đây vẫn còn là kỳ vọng phía trước. Việc phát triển nhanh rất quan trọng, nhưng với mục tiêu trong tương lai dài hạn Bình Định phải là tỉnh phát triển xanh, do đó đô thị xanh là điều cực kỳ quan trọng mà tỉnh phải quan tâm.

* Thưa ông, tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch phát triển đô thị chung và đô thị Quy Nhơn, Hoài Nhơn, An Nhơn, Tây Sơn…

Tôi rất quan tâm đến vấn đề phát triển của TP Quy Nhơn, và hoan nghênh quy hoạch thành phố không chỉ riêng Quy Nhơn mà còn cả vùng phụ cận về phía huyện Tuy Phước, Phù Cát. Như có lần đã trao đổi, tôi nhấn mạnh điểm cực kỳ quan trọng đó là toàn bộ không gian Quy Nhơn và vùng phụ cận phải quy hoạch trên trục phát triển xoay quanh đầm Thị Nại.

Để phát triển bền vững, ngoài các đô thị đã hình thành (trong đó thị trấn Cát Tiến sẽ nổi lên rất nhanh, huyện Tây Sơn và những thị trấn hình thành sau này cũng sẽ lên nhanh), tôi nhấn mạnh phải phát triển tương xứng TX Hoài Nhơn sớm trở thành thành phố phía Bắc tỉnh và đối trọng với TP Quy Nhơn, tạo lan tỏa phát triển đồng đều hai đầu của tỉnh.

Hoài Nhơn có vị trí, vai trò rất đặc biệt, vì có thể kết nối với Tây Nguyên thông qua đường nối về An Lão, Ba Tơ, QL 24, tạo hành lang phía Bắc của Tây Nguyên để phát triển. Do đó, phải quy hoạch phát triển Hoài Nhơn, đặc biệt phường Bồng Sơn – khu vực dọc sông Lại Giang trở thành đô thị có sắc thái riêng, điểm nhấn cực tăng trưởng phía Bắc.

Bên cạnh đó, đường ven biển mở ra sẽ hình thành một chuỗi đô thị ven biển, đô thị biển gắn với phát triển du lịch. Chúng ta hình dung một chuỗi đô thị ven biển như vậy từ Tam Quan về Quy Nhơn, dù những đô thị này không lớn nhưng hình thành một chuỗi để phát triển kinh tế ven biển, đặc biệt có ý nghĩa về an ninh quốc phòng. Chuỗi đô thị biển này, tôi cho rằng cần phải có tầm nhìn rất rõ để hình thành nên!

Gắn kết đô thị Bình Định trong tổng thể đô thị vùng

* Vấn đề rất quan trọng đặt ra là quy hoạch phát triển đô thị trong mối liên kết với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Ngoài ra, theo ông, phát triển đô thị ở Bình Định nên tạo điểm nhấn ở đâu?

Trong định hướng phát triển, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung sẽ hình thành chuỗi đô thị từ Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Vạn Tường (Quảng Ngãi), vào đến Bình Định. Cùng với đường ven biển thì chuỗi đô thị ven biển của miền Trung cũng sẽ hình thành như vậy. Trong chuỗi đô thị này có những điểm nhấn lớn, với Bình Định đó là đô thị biển Quy Nhơn và đô thị Hoài Nhơn.

Phát triển đô thị Bình Định phải gắn kết với quy hoạch vùng để hình thành hệ thống đô thị ven biển dọc duyên hải miền Trung, đồng thời kết nối hai đầu Bắc Trung bộ và Nam Trung bộ. Tương lai, khi Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới cho vùng Duyên hải miền Trung cùng với Bắc Trung bộ (14 tỉnh, thành phố) thì sẽ hình thành hệ thống quy hoạch chuỗi đô thị biển.

* Để phát triển đô thị của tỉnh, ông có “hiến kế” gì?

5 năm vừa rồi, Bình Định có một quyết tâm chính trị rất lớn trong phát triển hạ tầng, đặc biệt 4 tuyến giao thông lớn đã, đang hình thành gồm đường nối Quy Nhơn – Vân Canh, QL 19 mới, đường nối sân bay Phù Cát về Khu kinh tế Nhơn Hội, và hiện hoàn thiện tuyến ven biển mà “cột mốc lịch sử” là cầu Đề Gi vừa hợp long để nối toàn tuyến. 4 tuyến giao thông này tạo động lực rất lớn, tháo gỡ khó khăn về hạ tầng kết nối cho phát triển đô thị – điểm này Bình Định đã làm được.

Tuy nhiên, như cả nước, Bình Định cũng đang vướng rất nhiều về cơ chế cho thuê đất, giao đất, đấu giá đất, thủ tục xây dựng… trong phát triển đô thị. Do đó, cái gì thuộc trách nhiệm của tỉnh thì tỉnh cố gắng làm, còn vướng cơ chế chung thì tỉnh tích cực đề xuất Trung ương để giải quyết trên tinh thần “quyết tâm chính trị” và “sự đồng thuận của hệ thống chính trị” nhằm tạo hành lang pháp lý an toàn hấp thụ đầu tư, nếu khựng lại không phát triển được đô thị thì tốc độ tăng trưởng cũng khựng lại theo.

Bài phỏng vấn của Báo Bình Định với TS Trần Du Lịch khi mới đây ông về tham gia góp ý quy hoạch tỉnh Bình Định.

TIN TỨC KHÁC

1