Bình Định phát triển đô thị bền vững

Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực, có tính liên kết với cả vùng, khu vực và cả nước. Cùng với đó, quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị có tính bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu… Đó là những mục tiêu trong Kế hoạch của UBND tỉnh triển khai Chương trình hành động số 21-CTr/TU của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thời gian qua, công tác quản lý và phát triển đô thị của tỉnh Bình Định có những chuyển biến rõ nét, dần khẳng định vị trí, vai trò đô thị là động lực, đầu tàu cho phát triển KT-XH của cả tỉnh. Đến nay, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt gần 46,3% (cao hơn mức bình quân cả nước). Trong số 20 đô thị của tỉnh có 3 đô thị lớn đã và đang trở thành động lực cho cả vùng, gồm TP Quy Nhơn, TX An Nhơn và TX Hoài Nhơn.

Quy Nhơn là đô thị loại 1 hiện đại

Giám đốc Sở Xây dựng Trần Viết Bảo cho hay, trong kế hoạch của tỉnh có 14 chỉ tiêu cụ thể được dùng làm thước đo trình độ phát triển, sức cạnh tranh của hệ thống đô thị toàn tỉnh. Đáng chú ý là tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đến năm 2025 đạt trên 55%, đến năm 2030 đạt trên 60%. Tầm nhìn đến năm 2045, tỷ lệ đô thị hóa tỉnh Bình Định thuộc nhóm cao của khu vực miền Trung. Hình thành chuỗi đô thị phía Nam trở thành vùng đô thị động lực của vùng kinh tế duyên hải miền Trung và Tây Nguyên với hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo hài hòa các tiêu chí về đô thị hiện đại, thông minh, xanh và giàu bản sắc, mang nét đặc thù riêng của vùng đô thị ven biể

Để thực hiện các mục tiêu trên, tỉnh đề ra 7 nhóm nhiệm vụ chủ yếu. Đó là: Nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị. Hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển đô thị bền vững. Tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị toàn tỉnh bền vững và đồng bộ. Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững. Phát triển hệ thống nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị. Phát triển kinh tế khu vực đô thị.

“Trong đó, đáng chú ý tập trung 3 khâu đột phá về thể chế, nguồn nhân lực và đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị”, ông Bảo cho hay.

Tỉnh sẽ xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển đô thị bền vững. Trong đó, xây dựng, hoàn thiện các cơ chế chính sách thuận lợi về kết nối hạ tầng, quản lý chất thải, sử dụng tài nguyên, đất đai, vận tải công cộng, hạ tầng số, logistics, đầu tư kết cấu hạ tầng dùng chung, hạ tầng ngầm đô thị, nâng cao chất lượng dịch vụ công cộng đô thị. Xây dựng cơ chế khuyến khích đủ mạnh để thu hút nguồn lực xã hội đầu tư nhà ở, nhà dành cho người thu nhập thấp…

Trong nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững sẽ ưu tiên đổi mới toàn diện về phương pháp, quy trình, nội dung và sản phẩm quy hoạch đô thị theo hướng tiếp cận đa ngành, bao trùm, tầm nhìn dài hạn, có tính liên tục và thống nhất; xây dựng và phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển đô thị theo tình hình mới phù hợp thực tế từng địa phương. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu toàn tỉnh về quy hoạch phát triển đô thị. Hoàn thành việc rà soát, phủ kín quy hoạch chung, quy hoạch phân khu tại các đô thị; khắc phục việc thiếu tiêu chí của các đô thị đã được nâng loại và các đô thị dự kiến nâng loại, trong đó tập trung nâng cao tỷ lệ đô thị hóa cho các đô thị từ loại IV trở lên đảm bảo là đô thị động lực cho vùng.

Hình thành chuỗi các đô thị vùng phía Nam của tỉnh (đô thị Quy Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước, Cát Tiến – huyện Phù Cát và Canh Vinh – huyện Vân Canh) trở thành vùng đô thị động lực cho cả tỉnh có tính kết nối vùng duyên hải miền Trung và khu vực Tây Nguyên với hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại có tính đến yếu tố thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo hài hòa các tiêu chí về đô thị hiện đại, thông minh và đô thị xanh.

Kế hoạch cũng đặt ra yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị. Cùng với đó là phát triển kinh tế khu vực đô thị trên cơ sở tập trung nguồn lực đầu tư, tạo bước đột phá để tiếp tục khẳng định và nâng cao vai trò động lực, cực tăng trưởng của chuỗi đô thị phía Nam của tỉnh và các đô thị loại IV trở lên. Mặt khác, đẩy mạnh liên kết phát triển Nam Bình Định – Bắc Phú Yên và Bình Định – Gia Lai – Kon Tum, gắn với hành lang kinh tế Bắc – Nam và Đông Tây. Lấy chuỗi đô thị phía Nam, sân bay Phù Cát, cảng Quy Nhơn, trường đại học, trung tâm nghiên cứu khoa học, trung tâm phần mềm để có sức mạnh tổng hợp làm nền tảng kết nối…

Theo Mai Hoàng – Báo Bình Định

TIN TỨC KHÁC

1