Mở rộng không gian phát triển để An Nhơn lên thành phố

Ðồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị An Nhơn đến năm 2035 vừa được UBND tỉnh phê duyệt sẽ cập nhật các điều chỉnh về hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, mở rộng không gian đô thị cho TX An Nhơn trên lộ trình phát triển lên thành phố trước năm 2025.

Năm 2019, Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị An Nhơn đến năm 2035 được UBND tỉnh phê duyệt. Đến nay, An Nhơn đã lập chương trình phát triển đô thị; các đồ án quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết; dự án đầu tư và đầu tư phát triển hình thành khu dân cư, khu đô thị mới… Hiện thị xã có 17 dự án (với 156 ha) cơ bản đã hoàn thành đầu tư hạ tầng kỹ thuật bằng vốn ngân sách nhà nước và vốn tư nhân, ngoài ra còn có 6 dự án đang lập thủ tục, hồ sơ đầu tư; qua đó góp phần mở rộng không gian khu đô thị tăng hơn 244 ha.

Làm cơ sở đầu tư và kêu gọi đầu tư xây dựng đô thị

Hiện nay, hướng tuyến dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn qua địa bàn TX An Nhơn gồm 4 xã, phường (Nhơn Phúc, Nhơn Thọ, Nhơn Lộc, Nhơn Hòa) làm ảnh hưởng đến 3 đồ án quy hoạch được phê duyệt gồm: Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị An Nhơn đến năm 2035; quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu đô thị An Thái và quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 phường Nhơn Hòa; đồng thời, ảnh hưởng đến các tuyến tiêu thoát lũ trên địa bàn và hành lang thoát lũ hồ Núi Một – sông An Tượng.

Ông Nguyễn Đình Chương, Trưởng Phòng Quản lý đô thị TX An Nhơn, cho hay, Đồ án quy hoạch chung đô thị An Nhơn được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh cục bộ, chủ yếu tại các khu vực tập trung, trung tâm phường và khu vực dự kiến thành lập phường nội thị làm cơ sở để xây dựng và phát triển TX An Nhơn trở thành thành phố trước năm 2025. Với việc bổ sung đất xây dựng đô thị do nâng cấp xã Nhơn Phong trở thành phường nội thị nên tăng đất đơn vị ở; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất được thực hiện với việc tăng quy mô đất ở từ 1.247,15 ha lên 1.387,82 ha.

Bên cạnh đó, điều chỉnh tăng gần 9 ha đất công trình dịch vụ công cộng đô thị tại những khu vực dự kiến trở thành phường, khu đô thị mới; tăng thêm đất cây xanh sử dụng công cộng đô thị, bổ sung đất cây xanh ở khu vực lân cận các di tích gốc Thành Hoàng Đế, công viên cây xanh ở khu liên hợp TDTT tại phường Bình Định và một số công viên, hoa viên tại khu vực Cẩm Văn (phường Nhơn Hưng), trung tâm các xã quy hoạch lên phường.

Với định hướng phát triển công nghiệp trên lợi thế về đầu mối giao thông, điều chỉnh cũng xác định đất phát triển cụm công nghiệp từ 964 ha lên 1.205 ha (tăng hơn 241 ha); tăng đất giao thông đối ngoại từ 274,95 ha lên 364,16 ha từ việc cập nhật các dự án, hướng tuyến của đường bộ cao tốc Bắc – Nam đoạn Hoài Nhơn – Quy Nhơn, cao tốc Quy Nhơn – Pleiku, đường kết nối ĐT 638 nối về Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định. Đồng thời, điều chỉnh đất hạ tầng kỹ thuật đầu mối từ 189 ha lên hơn 316 ha để định hướng quy hoạch mở rộng sân bay Phù Cát; tuyến đường sắt Bắc – Nam tốc độ cao…

An Nhon trên lộ trình lên thành phố tước 2025

Ông Bùi Văn Cư, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TX An Nhơn, nhận định: Những điều chỉnh cục bộ cho đô thị An Nhơn đến năm 2035 theo hướng trên để phù hợp với tình hình thực tiễn, công tác đầu tư và kêu gọi đầu tư xây dựng đô thị An Nhơn trở thành thành phố là cần thiết.

Mở rộng không gian phát triển đô thị

TX An Nhơn là đô thị thuộc tiểu vùng số 1 theo định hướng quy hoạch xây dựng vùng tỉnh với chức năng một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa phía Nam của tỉnh. An Nhơn cũng là đô thị vệ tinh của TP Quy Nhơn và vùng phụ cận, định hướng phát triển công nghiệp trên lợi thế về đầu mối giao thông của QL 1, QL 19, QL 19B; phát triển du lịch gắn với văn hóa, lịch sử Champa, Thành Hoàng Đế.

Ông Bùi Văn Cư cho hay, quy hoạch chung của đô thị An Nhơn định hướng mô hình phát triển đô thị đơn trung tâm, đa cực, phát triển theo hệ thống giao thông. Khu vực trung tâm đô thị là phường Bình Định; các khu vực phát triển gồm một phần Nhơn Hưng, Nhơn An, Nhơn Hòa. Cực phát triển phía Bắc xác định phường Đập Đá làm hạt nhân phát triển, các khu vực xung quanh gồm Nhơn Thành, Nhơn Hậu, Nhơn Mỹ, Nhơn An, một phần Nhơn Hưng. Cực phát triển mới ở phía Nam là Nhơn Hòa, hỗ trợ cho một phần phường Bình Định, Nhơn Thọ và hành lang công nghiệp dọc QL 19. Cực phát triển phía Tây lấy Nhơn Phúc làm trung tâm, hỗ trợ các xã Nhơn Khánh, Nhơn Lộc, trục tác động là tuyến ĐT 636 (Gò Bồi – Lai Nghi).

Giám đốc Sở Xây dựng Trần Viết Bảo cho hay, trong số 20 đô thị của tỉnh đến nay có 3 đô thị lớn đã và đang trở thành động lực cho cả vùng gồm TP Quy Nhơn, TX An Nhơn và TX Hoài Nhơn. Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 20.3.2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hình thành chuỗi các đô thị vùng phía Nam của tỉnh, trong đó có đô thị An Nhơn (cùng với đô thị Quy Nhơn, Tuy Phước, Cát Tiến, Canh Vinh) trở thành  vùng đô thị động lực, có tính kết nối vùng duyên hải miền Trung và khu vực Tây Nguyên, trở thành đầu tàu cho cả tỉnh.

Theo Mai Hoàng – Báo Bình Định

TIN TỨC KHÁC

1