Hoài Nhơn kỳ vọng đột phá từ hạ tầng giao thông

Các công trình giao thông trọng điểm đã, đang và sẽ hình thành trên địa bàn là động lực to lớn thúc đẩy thị xã Hoài Nhơn phát triển vượt bậc, sớm trở thành cực tăng trưởng phía Bắc tỉnh.
Bài phỏng vấn của Báo Bình Định với đồng chí Phạm Trương – Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn.
Thời gian qua, nhiều công trình giao thông trọng điểm được đầu tư xây dựng trên địa bàn thị xã, trong đó có những công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Xin đồng chí cho biết ý nghĩa, tầm quan trọng của các công trình này đối với sự phát triển của TX Hoài Nhơn nói riêng, cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh nói chung?
TX Hoài Nhơn được Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX xác định là đô thị trung tâm tiểu vùng (bao gồm Phù Mỹ, An Lão, Hoài Ân và Hoài Nhơn), hạt nhân phía Bắc tỉnh với định hướng phát triển trung tâm thương mại, dịch vụ, phát triển kinh tế biển.
2 năm qua, 12 công trình giao thông trọng điểm đã được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp mở rộng trên địa bàn thị xã với tổng chiều dài khoảng 60 km, tổng vốn đầu tư hơn 2.841 tỷ đồng. Trong đó, có 4 công trình giao thông trọng điểm đã đưa vào sử dụng là: Tuyến đường ven biển đoạn từ cầu Lại Giang đến cầu Thiện Chánh (tổng chiều dài gần 9,6 km); tuyến đường từ QL 1 cũ đến Gò Dài (hơn 1,5 km); đường từ QL 1 đến Khu di tích danh nhân văn hóa Đào Duy Từ (hơn 1,5 km); nâng cấp, mở rộng tuyến đường kết nối QL 1 (Tài Lương – Ca Công, 6,2 km).
Việc nâng cấp, mở rộng và đưa vào sử dụng các công trình giao thông trên địa bàn có ý nghĩa vô cùng to lớn, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, quốc phòng an ninh của thị xã, kết nối vùng, tiểu vùng kinh tế trên địa bàn, tạo thuận lợi cho việc giao thương giữa các địa phương trong và ngoài thị xã.
Đồng thời, mở rộng không gian đô thị, tạo đồng bộ trong quy hoạch phát triển của TX Hoài Nhơn theo tinh thần Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh và thị xã nhiệm kỳ 2020 – 2025; góp phần hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng giao thông để hướng đến đạt chuẩn đô thị loại 3 năm 2025 – điểm hạn chế nhất của Hoài Nhơn khi lên thị xã.
Mặt khác, hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ sẽ tạo động lực thu hút đầu tư trong và ngoài nước đến với Hoài Nhơn, tạo đà cho phát triển KT-XH, khai thác được tiềm năng lợi thế trên nhiều lĩnh vực. Khi ấy, Hoài Nhơn sẽ trở thành cực tăng trưởng phía Bắc tỉnh như tinh thần Nghị quyết Đại hội XX của Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Hiện nay, Trung ương đang đầu tư tuyến cao tốc Bắc – Nam, trong đó có đoạn qua địa bàn TX Hoài Nhơn. Cùng với đó là nhiều công trình giao thông mới vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa XIII. Theo đồng chí, các công trình giao thông lớn này tác động, ảnh hưởng như thế nào đối với định hướng phát triển của TX Hoài Nhơn trước mắt cũng như lâu dài, nhất là liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch phát triển?
Trong Dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn thuộc Dự án Đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, đoạn qua địa phận TX Hoài Nhơn gồm 9 xã, phường: Hoài Sơn, Hoài Châu Bắc, Hoài Châu, Hoài Phú, Hoài Hảo, Hoài Thanh Tây, Hoài Tân, Bồng Sơn vàHoài Đức. Cùng với các dự án giao thông vừa được HĐND tỉnh thông qua sẽ tạo lợi thế, động lực để Hoài Nhơn cùng với cả nước phát triển. Tuy nhiên, từ đây cũng phát sinh khó khăn, thách thức trước mắt và tương lai.
Về lợi thế, cao tốc Bắc – Nam chính là tuyến đường bộ ngắn nhất để Hoài Nhơn kết nối với các địa phương trong cả nước, hình ảnh Hoài Nhơn được các nhà đầu tư biết đến với những tiềm năng và lợi thế trên mọi phương diện. Qua đó, mở ra cho thị xã nhiều cơ hội thu hút đầu tư để phát triển kinh tế, là động lực cho Hoài Nhơn sớm đạt chuẩn đô thị loại III và thành phố trực thuộc tỉnh trong tương lai gần.
Tuy nhiên, cao tốc Bắc – Nam với chiều dài gần 30 km chạy dọc trong lòng thị xã qua 9/17 phường, xã sẽ gây khó khăn trong việc kết nối nội bộ ở mỗi phường, xã (chia cắt từng phường, xã thành 2), kết nối các vùng kinh tế của thị xã, hạn chế việc phát triển giao thông kết nối 2 bên cao tốc; làm quy hoạch của thị xã phải tính toán, điều chỉnh.
Mặt khác, phát triển kinh tế của các xã, phường, bộ phận dân cư các địa phương phía Tây cao tốc mất đi lợi thế và tiềm năng vốn có. Thực tế này đòi hỏi Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã cũng như cấp ủy 9 xã, phường có cao tốc đi qua phải tính toán và có giải pháp phù hợp trong thời gian đến.
Đảng bộ, chính quyền TX Hoài Nhơn sẽ có giải pháp cụ thể nào để góp phần đảm bảo tiến độ, chất lượng cao tốc Bắc – Nam và các công trình giao thông trọng điểm khác, thưa đồng chí?
Đối với tuyến cao tốc Bắc – Nam cũng như các công trình giao thông trọng điểm khác, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) phải triển khai trên tinh thần công khai, minh bạch, công bằng và dân chủ; đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư. Đồng thời, phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị tại địa phương liên quan và vai trò giám sát, phản biện của MTTQ, các tổ chức thành viên. Tạo đồng thuận cao trong nhân dân là yếu tố quan trọng, tiên quyết để công trình thực hiện đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng.
Riêng tuyến cao tốc Bắc – Nam, theo tiến độ do Trung ương đặt ra, các địa phương đến ngày 20.11.2022 phải bàn giao 70% mặt bằng tuyến và đến hết quý II/2023 bàn giao toàn bộ mặt bằng để triển khai thi công.
Tuy nhiên, TX Hoài Nhơn quyết tâm bàn giao toàn bộ mặt bằng để triển khai thi công trước ngày 30.10.2022; do đó, thị xã phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt.
Thị xã đã thành lập Ban Chỉ đạo (do Chủ tịch UBND thị xã làm Trưởng ban); thành lập 3 Hội đồng bồi thường, GPMB và tái định cư (do 3 Phó Chủ tịch UBND thị xã làm Chủ tịch Hội đồng); thành lập 3 Tổ công tác chuyên trách giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của UBND thị xã và 3 Tổ tuyên truyền, vận động của Thị ủy. Đảng ủy các xã, phường liên quan thành lập Tổ công tác tuyên truyền, vận động GPMB; kịp thời xác nhận nguồn gốc, quá trình quản lý, sử dụng đất, thời điểm tạo lập tài sản trên đất phục vụ công tác GPMB theo đúng quy định pháp luật, đáp ứng yêu cầu tiến độ dự án. Mỗi xã, phường thành lập 1 đội phản ứng nhanh để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động, đẩy nhanh tiến độ GPMB.
Ngày 28.3, UBND thịxãđã tổchức Lễ phát động ra quân GPMB; lãnh đạo 9 xã, phường liên quan đã kýcam kết thi đua, phấn đấu hoàn thành GPMB trước ngày 30.10.2022.
Bên cạnh đó, yêu cầu quan trọng trước mắt khẩn trương rà soát hồ sơ quản lý đất đai, xây dựng và kiểm tra thực địa, lập thủ tục đăng ký Kế hoạch sử dụng đất năm 2022, xác định vị trí, quy mô xây dựng khu tái định cư, khu cải táng mồ mả; tất cả các hạng mục hạ tầng phụ trợ, đường hoàn trả, đường kết nối, mỏ vật liệu… trình UBND tỉnh phê duyệt.
Mặt khác, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai và trật tự xây dựng. Vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định; giữ nguyên trạng, không để xảy ra vi phạm (như xây dựng, cơi nới công trình, làm thay đổi hiện trạng sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích…) thuộc phạm vi khu vực dự án. Kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật.
Theo Báo Bình Định

TIN TỨC KHÁC

1