TX An Nhơn quyết tâm trở thành thành phố trực thuộc tỉnh trước năm 2025 và trở thành đô thị phát triển năng động.
Phóng viên Báo Bình Định phỏng vấn Phó Bí thư Thường trực Thị ủy An Nhơn Đào Xuân Huy về các mục tiêu và giải pháp phát triển không gian đô thị, phát triển KT-XH TX An Nhơn trong thời gian tới.
*Thưa ông, để “nâng tầm” TX An Nhơn lên thành phố, việc quy hoạch, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị An Nhơn được Đảng bộ thị xã quan tâm như thế nào?
Để tập trung lãnh đạo xây dựng thị xã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ TX An Nhơn lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025, ngày 15.7.2022, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 08-NQ/TU, mục tiêu phấn đấu trong năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thành lập TP An Nhơn trực thuộc tỉnh (sớm hơn 1 năm so với Nghị quyết đề ra), với kết cấu hạ tầng KT-XH của thành phố mới thành lập cơ bản đồng bộ, văn minh hiện đại, quốc phòng – an ninh được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng cao.
Nghị quyết cũng đã xác định cụ thể: Trong năm 2022 được Bộ Nội vụ ra quyết định công nhận An Nhơn là đơn vị hành chính cấp huyện loại 1 trực thuộc tỉnh; năm 2023 được Bộ Xây dựng thẩm định và ban hành văn bản về việc đánh giá tiêu chí đô thị loại III (dự kiến mở rộng khu vực nội thị) và đánh giá các tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đối với các khu vực dự kiến thành lập phường; hoàn thành hồ sơ và trình kỳ họp HĐND tỉnh thông qua Đề án thành lập các phường thuộc thị xã và thành lập TP An Nhơn thuộc tỉnh.
Năm 2024, hồ sơ Đề án thành lập các phường thuộc thị xã và thành lập thành phố thuộc tỉnh được Bộ Nội vụ thẩm định trình Chính phủ, trình Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm định, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua và ban hành Nghị quyết về việc thành lập các phường và thành lập thành phố.
Trên cơ sở Nghị quyết số 08-NQ/TU, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội tổ chức quán triệt và xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện. Chỉ đạo UBND thị xã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 113/KH-UBND ngày 27.7.2022 về triển khai các bước để thành lập các phường thuộc thị xã và thành lập thành phố.
* TX An Nhơn có các tuyến QL 1, 19, 19B đi qua, trong quy hoạch mở rộng không gian đô thị, thị xã sẽ tận dụng các lợi thế này như thế nào để hình thành các chuỗi đô thị vệ tinh?
Trên cơ sở lợi thế có các tuyến quốc lộ đi qua, trong quy hoạch mở rộng không gian đô thị, thị xã tận dụng các lợi thế này để định hướng mô hình phát triển đô thị theo hướng đơn trung tâm, đa cực. Cụ thể: Khu vực trung tâm đô thị là phường Bình Định; các khu vực phát triển bao gồm một phần của phường Nhơn Hưng, xã Nhơn An và phường Nhơn Hòa.
Cực phát triển phía Bắc xác định phường Đập Đá làm hạt nhân phát triển, các khu vực xung quanh bao gồm phường Nhơn Thành và các xã Nhơn Hậu, Nhơn Mỹ, Nhơn An và một phần phường Nhơn Hưng.
Cực phát triển mới ở phía Nam là phường Nhơn Hòa, hỗ trợ cho khu vực phường Bình Định, xã Nhơn Thọ và hành lang công nghiệp dọc QL 19. Cực phát triển phía Tây là xã Nhơn Phúc, hỗ trợ các xã Nhơn Khánh, Nhơn Lộc, trục tác động là tuyến ĐT 636 (Gò Bồi – Lai Nghi).
* Để hướng đến mục tiêu An Nhơn trở thành thành phố công nghiệp, thương mại, dịch vụ năng động, hiện đại với tốc độ đô thị hóa cao, thị xã sẽ ưu tiên nguồn lực như thế nào, thưa đồng chí?
Trong thời gian đến, Đảng bộ thị xã tập trung ưu tiên nguồn lực tài chính để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ. Tiếp tục tranh thủ các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, ưu tiên nguồn lực tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các tiêu chuẩn đô thị còn thiếu, còn yếu.
Tiếp tục nghiên cứu cho chủ trương một số cơ chế hỗ trợ các xã, phường trong đầu tư phát triển, nhất là trong đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Trong đó, ưu tiên nguồn lực nâng cấp, mở rộng các công trình giao thông trọng điểm để kết nối các khu vực trung tâm; xây dựng và phát triển các khu dân cư khu vực trung tâm mở rộng của các xã có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đáp ứng các tiêu chí đô thị loại III; đầu tư, nâng cấp, mở rộng hoàn thiện đồng bộ hệ thống giao thông, thoát nước, vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng…
* Để An Nhơn sớm trở thành một cực phát triển, là đô thị hạt nhân phía Nam của tỉnh, rất cần một chiến lược phát triển dài hơi gắn với việc mở rộng không gian đô thị nhằm khai thác hiệu quả thế mạnh liên kết vùng. Theo đồng chí, đâu là giải pháp trọng tâm để đạt mục tiêu đó?
Trước hết, cần đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh Đồ án quy hoạch chung đô thị An Nhơn đến năm 2035 và Chương trình phát triển đô thị. Xây dựng kế hoạch thực hiện gắn rà soát, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch không còn phù hợp với tình hình phát triển KT-XH.
Tập trung duy trì, nâng cao các tiêu chí đô thị loại III, đảm bảo hoàn thành tiêu chuẩn thành phố; xây dựng hạ tầng 6 xã (Nhơn Phúc, Nhơn Lộc, Nhơn Thọ, Nhơn An, Nhơn Hậu, Nhơn Phong) hoàn thành các tiêu chuẩn phường thuộc thị xã đô thị loại III. Đầu tư và kêu gọi đầu tư các dự án phát triển thương mại – dịch vụ, phát triển các khu đô thị đồng bộ, hiện đại; nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông chính và ngầm hóa hạ tầng kỹ thuật; xây dựng mới một số tuyến giao thông có tính chất động lực.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, làng nghề gắn với phát triển thương mại – dịch vụ và du lịch. Tiếp tục phát huy lợi thế Khu công nghiệp Nhơn Hòa; tăng cường thu hút các ngành nghề sản xuất công nghệ cao, ít ô nhiễm môi trường, sản phẩm có giá trị gia tăng cao vào các cụm công nghiệp; phát triển vùng thương mại – dịch vụ trọng điểm dọc bờ sông Trường Thi, dọc QL 1 và các tuyến đường tránh để tạo lan tỏa phát triển chung…
Theo Báo Bình Định