Chỉnh trang, phát triển đô thị là một trong những ưu tiên hàng đầu của TP Quy Nhơn trong thực hiện Chương trình hành động số 11-CTr/TU của Thành ủy. Tuy nhiên, sự phát triển này chưa tương xứng và còn nhiều điểm nghẽn gây cản trở.
Đây là chia sẻ của ông Ngô Hoàng Nam – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động số 11-CTr/TU của Thành ủy Quy Nhơn, sau 2 năm thực hiện tăng cường chỉnh trang đô thị và quản lý quy hoạch, đất đai, xây dựng trên địa bàn thành phố đến năm 2025.
Danh Mục Bài Viết
- * Đánh giá việc thực hiện Chương trình hành động số 11-CTr/TU, thành phố có đạt được những mục tiêu đã đề ra trong chỉnh trang đô thị và quản lý quy hoạch không, thưa ông?
- Song như vậy vẫn chưa tương xứng với mục tiêu phát triển đô thị Quy Nhơn?
- * Vậy thành phố có những giải pháp nào để khai thông, thưa ông?
* Đánh giá việc thực hiện Chương trình hành động số 11-CTr/TU, thành phố có đạt được những mục tiêu đã đề ra trong chỉnh trang đô thị và quản lý quy hoạch không, thưa ông?
– Tháng 5.2021, Thành ủy Quy Nhơn ban hành Chương trình hành động số 11-CTr/TU. UBND thành phố đã triển khai các kế hoạch thực hiện với quyết tâm đạt mục tiêu chung của chương trình hành động, trong đó quan trọng là chuyển biến tích cực trong quản lý quy hoạch, xây dựng và chỉnh trang đô thị.
Trong công tác quy hoạch, trên cơ sở đồ án quy hoạch chung xây dựng TP Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố phối hợp, tổ chức triển khai trình UBND tỉnh phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 đối với 12 phường nội thành; quy hoạch phường Nhơn Bình, Nhơn Phú; bảo tồn và phát triển du lịch bền vững khu vực làng chài xã Nhơn Lý; quy hoạch chung xây dựng 1/5.000 xã đảo Nhơn Châu, xã Phước Mỹ.
Triển khai lập quy hoạch 1/500 các đồ án khu dân cư trung tâm xã Nhơn Hải; tiểu khu TP2.1 thuộc đô thị mới Long Vân; chỉnh trang đô thị khu dân cư khu vực 1, 4 phường Đống Đa; khu đô thị thương mại dịch vụ phường Quang Trung; khu tái định cư phục vụ dự án cao tốc Bắc – Nam…
Cùng với đó, lập quy chế quản lý kiến trúc thành phố trình UBND tỉnh phê duyệt.
Trong chỉnh trang đô thị, thành phố đã và đang triển khai giải phóng mặt bằng, chỉnh trang đô thị tại các khu vực như khu cải táng phục vụ di dời nghĩa trang xã Nhơn Lý; thi công hoàn thành công trình lò đốt rác xã Nhơn Châu; nạo vét bùn hồ Bàu Sen. Đẩy nhanh hoàn tất hồ sơ thủ tục để triển khai thi công các công trình: Xử lý sạt lở mái taluy đường Nguyễn Tất Thành; hệ thống thoát nước chống ngập phường Ghềnh Ráng; khu tái định cư phục vụ cao tốc Bắc – Nam. Thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án quan trọng như cao tốc Bắc – Nam, hệ thống tiêu thoát lũ sông Dinh, tuyến đường Long Vân – Gò Tù, mở rộng tuyến đường dọc kè thôn Lý Hưng – Lý Lương (xã Nhơn Lý), cải tạo cảnh quan bãi trước xã Nhơn Châu, mở rộng đường trục và tuyến kè xã Nhơn Hải…
Vấn đề rất quan trọng nữa là tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị, chống lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh buôn bán, nhất là khu vực trung tâm thành phố.
Thành phố cũng đang tích cực phối hợp với Sở Công Thương và sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch di dời Cụm công nghiệp Quang Trung, Nhơn Bình và kho bãi, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành.
Song như vậy vẫn chưa tương xứng với mục tiêu phát triển đô thị Quy Nhơn?
– Sở dĩ nói phát triển chưa tương xứng bởi công tác xây dựng và ban hành các quy chế quản lý chiếu sáng đô thị, công viên, cây xanh; kiến trúc đô thị; quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; danh mục cây xanh; dữ liệu hệ thống thoát nước, số hóa dữ liệu cây xanh đô thị còn chậm so với yêu cầu, hệ thống hạ tầng khung chưa hoàn chỉnh.
Trong khi đó, công tác chỉnh trang đô thị còn bị động, chưa chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện hằng năm. Xây dựng tuyến đường văn minh “xanh – sạch – đẹp” và tuyến phố “không lấn, chiếm vỉa hè, lòng đường” chưa đạt yêu cầu. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, dải cây xanh, nơi công cộng làm nơi mua bán vẫn xảy ra gây mất mỹ quan đô thị…
Đó đều là những điểm nghẽn cản trở phát triển đô thị Quy Nhơn thời gian qua.
* Vậy thành phố có những giải pháp nào để khai thông, thưa ông?
– Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động số 11-CTr/TU tiếp tục tham mưu Thành ủy chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng cần quyết liệt hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể.
Trước hết, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị, tạo sự đồng thuận cao và huy động mọi nguồn lực tham gia thực hiện chương trình hành động này đạt kết quả cao nhất.
Quan tâm phát triển đô thị, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Thành phố ưu tiên phát triển đô thị theo hướng bền vững, đô thị xanh; tập trung hoàn thiện đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn 2050. Chú trọng xử lý các vấn đề bảo vệ nguồn nước, kết nối hạ tầng, quản lý chất thải, sử dụng tài nguyên, đất đai, vận tải công cộng, hạ tầng số.
Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, phát triển đô thị bền vững; đổi mới quy hoạch đô thị tiếp cận đa ngành, toàn diện, tầm nhìn dài hạn, vừa phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, vừa tạo ra nguồn lực, không gian và động lực phát triển mới. Xác định rõ vai trò, chức năng của đô thị, lấy phát triển đô thị là hạt nhân phát triển KT-XH; từng bước xây dựng, phát triển đô thị thông minh.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và chất lượng cuộc sống đô thị. Phát triển kinh tế khu vực đô thị; đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị…
Bài phỏng vấn của Mai Hoàng – Báo Bình Định
Nguồn ảnh: Nguyễn Phan Dũng Nhân