Quy hoạch Thị xã Tây Sơn, tỉnh Bình Định đến năm 2035

Quy hoạch và phát triển huyện Tây Sơn trở thành đô thị loại IV với vai trò là một đô thị trung tâm phía Tây của tiểu vùng số 1 của tỉnh Bình Định; đến năm 2025, cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV và  đến năm 2035 trở thành thị xã Tây Sơn trên nền tảng nâng cấp thị trấn Phú Phong hiện tại.

1. Tên đồ án: Quy hoạch chung xây dựng đô thị Tây Sơn, tỉnh Bình Định đến năm 2035.

2. Phạm vi và giai đoạn lập quy hoạch:

a) Phạm vi:

Toàn bộ địa giới hành chính huyện Tây Sơn, giới cận như sau:

– Phía Bắc giáp: Huyện Vĩnh Thạnh và huyện Phù Cát;
– Phía Nam giáp: Huyện Vân Canh;
– Phía Đông giáp: Huyện Phù Cát và thị xã An Nhơn;
– Phía Tây giáp: Thị xã An Khê;
Tổng diện tích lập quy hoạch khoảng: 69.296 ha (692,96km2).

b) Giai đoạn lập quy hoạch:

Giai đoạn ngắn hạn đến năm 2025; giai đoạn dài hạn đến năm 2035.

3. Tính chất, mục tiêu quy hoạch:

– Cụ thể hóa đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Định đến năm 2035; Quy hoạch đô thị Tây Sơn phát triển theo hướng đô thị du lịch, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao…
– Phát triển Tây Sơn trở thành đô thị loại IV với vai trò là một đô thị trung tâm phía Tây của tiểu vùng số 1 của tỉnh Bình Định; đến năm 2025, cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV, đến năm 2035 trở thành thị xã Tây Sơn với hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại, kinh tế phát triển hài hòa với cảnh quan tự nhiên, bảo đảm an ninh quốc phòng.

4. Nội dung quy hoạch:

a) Quy mô lập quy hoạch và các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật:

Quy mô dân số dự báo qua các giai đoạn:
− Đến năm 2025, dân số đô thị khoảng 130.000 – 135.000 người, trong đó:
+ Dân số nội thị khoảng 100.000 – 101.000 người;
+ Dân số ngoại thị khoảng 30.000 – 34.000 người.
− Đến năm 2035, dân số đô thị khoảng 145.000 – 150.000 người, trong đó:
+ Dân số nội thị khoảng 110.000 – 111.500 người.
+ Dân số ngoại thị khoảng : 35.000 – 38.500 người.
− Chỉ tiêu sử dụng đất dân dụng dự báo 78 – 90m2/người, cụ thể như sau:
+ Đất đơn vị ở : 45 – 50m2/người;
+ Đất công trình công cộng cấp đô thị : 7 – 9 m2/người;
+ Đất công viên, cây xanh : 9 m2/người;
+ Đất giao thông, HTKT cấp đô thị : 17 – 18m2/người.
− Các chỉ tiêu về hệ thống HTKT:
+ Đất giao thông tỷ lệ 12 – 15% , mật độ đường 6-8 km/km2,
+ Tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt: 100-120 lít/ng.ngđ.
+ Tiêu chuẩn cấp nước công nghiệp 20-36 m3/ha. Ng.đ
+ Tiêu chuẩn xử lý nước thải tối thiểu đạt 80% lưu lượng nước cấp.
+ Tiêu chuẩn cấp điện sinh hoạt 350-500 W/người; cấp điện công nghiệp 20-36 kW/ha.
+ Chất thải rắn sinh hoạt dự kiến 1/kg.ng.ngđ; CTR Công nghiệp dự kiến khoảng 0,5 tấn/ha/ng.đ

b) Mô hình phát triển đô thị:

− Lấy sông Kôn, Quốc lộ 19, Quốc lộ 19B làm không gian chủ đạo để xây dựng và phát triển đô thị.
− Cực phát triển phía Tây: khu vực Tây Giang, là cực phát triển cho cụm xã Tây Thuận, Vĩnh An, một phần Bình Tường;
− Vùng trung tâm đô thị: Là lõi đô thị Phú Phong hiện hữu mở rộng và khu vực bờ Bắc sông Kôn gồm các khu vực xã Bình Thành, Bình Hòa.
− Cực phát triển phía Đông Bắc, trung tâm là khu vực Mỹ Yên thuộc xã Tây Bình, là cực phát triển của các xã Tây Vinh, Tây An, Bình Tân và Bình Thuận.
− Khu vực Bình Nghi là cực phát triển mới gắn liền với khu vực công nghiệp phía Nam Quốc lộ 19.

c) Nội dung quy hoạch sử dụng đất:

Tổng diện tích đất tự nhiên đô thị Tây Sơn là 69.296 ha; quy hoạch đến năm 2035 như sau:
− Đất xây dựng đô thị: Bao gồm đất dân dụng và ngoài dân dụng, tổng diện tích khoảng 6.823 ha, hình thành các phường nội thị trong tương lai và hình thành khu vực sản xuất công nghiệp ở phía Nam Quốc lộ 19, trong đó:
+ Đất dân dụng: Đất đơn vị ở, công viên cây xanh đô thị, công cộng cấp đô thị, giao thông – HTKT cấp đô thị…) diện tích khoảng 1.290 ha.
+ Đất ngoài dân dụng: Diện tích khoảng 5.533 ha.
− Đất nông nghiệp: Hạn chế tối đa lấy đất nông nghiệp năng suất cao. Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 17.576 ha.
− Thiết lập các hành lang cây xanh cảnh quan theo quy hoạch để tạo các hành lang thoát nước cho toàn đô thị, diện tích khoảng 1.442 ha.

5. Định hướng tổ chức không gian:

a) Định hướng không gian nội thị và ngoại thị:

− Đến năm 2025: Đô thị Tây Sơn đạt chuẩn đô thị loại IV, khu vực nội thị gồm 9 xã, thị trấn để phát triển thành đô thị và sẽ trở thành phường khi đô thị Tây Sơn trở thành thị xã và 6 xã ngoại thị còn lại, cụ thể:
+ 09 xã, thị trấn: Tây Giang, thị trấn Phú Phong, Bình Tường, Tây Phú, Tây Xuân, Bình Nghi, Bình Thành, Bình Hòa và Tây Bình;
+ 06 xã còn lại: Tây Thuận, Vĩnh An, Bình Thuận, Bình Tân, Tây An và Tây Vinh.
− Đến 2035, củng cố hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, phát triển ổn định cơ cấu hành chính nội ngoại thị, không phát sinh đơn vị hành chính mới.

b) Định hướng các trung tâm chuyên ngành:

− Trung tâm hành chính đô thị: Giữ nguyên vị trí hiện nay, hiện nay cơ bản đã đủ tiêu chuẩn để đáp ứng các chỉ tiêu đô thị loại IV;
− Trung tâm dịch vụ và phát triển công nghiệp: Thuộc khu vực phát triển công nghiệp ở phía Nam Quốc lộ 19 tại Bình Nghi;
− Trung tâm dịch vụ vận tải đô thị vận tải cấp vùng: Tại khu vực phía Nam, khu vực ngã tư đường vào Hầm Hô và tuyến tránh phía Nam dự kiến;
− Trung tâm TMDV tại khu vực thị trấn Phú Phong hiện nay, thuộc khối Phú Xuân ở phía Bắc cầu Đồng Sim;
− Hình thành các trung tâm thương mại dịch vụ cấp tiểu vùng ở khu vực cực phát triển phía Tây (Tây Giang – Đồng Phó) và khu vực cực phát triển phía Đông Bắc (Mỹ Yên – Tây Bình) để phục vụ cho khu vực phía Tây và bờ Bắc Sông Kôn.
− Trung tâm thể dục thể thao kết hợp công viên cấp đô thị: Tại khu vực Phú Xuân – Phú Phong;
− Trung tâm giáo dục cấp đô thị: Là khu vực Trường Trung học phổ thông và Trung tâm giáo dục thường xuyên hiện nay, nâng cấp quy mô và cơ sở vật chất trong giai đoạn sau 2025.
− Trung tâm y tế là khu vực Bệnh viện đa khoa Phú Phong mở rộng thêm quy mô về phía Đông theo QHCT khu dân cư ngã 3 đường Nguyễn Huệ và Quốc lộ 19.

c) Phân vùng cảnh quan, kiểm soát không gian kiến trúc cảnh quan và thiết kế đô thị:

– Vùng phát triển đô thị và phát triển công nghiệp: Là khu vực nội thị hiện nay và khu vực các trung tâm xã dự kiến trở thành đô thị như Tây Bình, Bình Hòa, Bình Thành, Bình Nghi, Tây Xuân, Tây Phú, Bình Tường, Tây Giang. Kiểm soát nghiêm ngặt quá trình phát triển và xây dựng có tính toán đầy đủ đến các hướng phát triển và hành lang thoát lũ. Các khu vực phát triển công nghiệp phía Nam Quốc lộ 19.
– Vùng phát triển nông nghiệp, nông thôn và cảnh quan nông nghiệp: Là khu vực canh tác nông nghiệp còn lại sau khi đã cân nhắc các khu vực dành cho phát triển đô thị. Các khu vực nông nghiệp và nông thôn, cảnh quan nông nghiệp dần hình thành đầy đủ các yếu tố liên quan với nhau gồm mặt nước, khu sản xuất, khu xóm làng, khu chuyên canh sản phẩm chuyên biệt có yếu tố du lịch (nếu có).
– Vùng bảo tồn, ổn định và kiểm soát tuyệt đối môi trường: Khu vực rừng hiện nay và khu vực có độ dốc lớn, nguy cơ sạt lở cao khi mưa lớn kéo dài; khu vực ven sông, lưu vực thoát nước dọc 2 bên sông và kênh thoát; khu vực dân cư hiện đang nằm trong hành lang thoát nước.
– Tập trung kiểm soát ở vùng lõi trung tâm các khu vực tập trung ven tuyến QL19, 19B, Hùng Vương, khu vực thị trấn Phú Phong và vùng phụ cận, các dự phát triển mới theo định hướng, mật độ xây dựng giảm dần ra các khu vực ngoại thị và nông thôn;
– Kiểm soát tầng cao xây dựng theo các tiêu chí: Các công trình cao tầng, khối tích lớn bố trí trên các trục đường lớn và các ngã tư; trong các khu dân cư đô thị tầng cao không quá 8 tầng; khu vực có các công trình trong bán kính 300m tính từ bảo tàng Quang Trung hiện nay có chiều cao không quá 5 tầng; hành lang bảo vệ, bảo tồn các công trình di tích văn hóa lịch sử gồm: Đài Kính Thiên, Đền thờ Bùi Thị Xuân, Khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc, Gò Lăng…. và các công trình khác tại khu vực quy hoạch tuân thủ các quy định về bảo vệ và bảo tồn theo Luật Di sản văn hóa và các quy định có liên quan.

6. Phân khu đô thị:

a) Khu vực phát triển số 1:

– Là khu vực trung tâm của đô thị phát triển trên cơ sở thị trấn Phú Phong hiện nay, mở rộng về khu vực Phú Văn, Phú Xuân và Nam Hùng Vương, có diện tích tự nhiên khoảng 2.950ha, quy mô dân số dự kiến khoảng 27.900 người.
– Phát triển đô thị mới theo hướng lấp đầy dải dân cư dọc Quốc lộ 19B, bố trí hệ thống đường ngang để phát triển có chiều sâu khu vực đô thị; hoàn thiện hệ thống HTKT và HTXH tại khu vực, phát triển các khu vực thương mại và dân cư
mật độ cao tại cửa ngõ.

b) Khu vực phát triển số 2:

– Là khu vực đô thị gắn liền với khu vực công nghiệp phía Nam Quốc lộ 19 tại xã Bình Nghi và Tây Xuân, diện tích khoảng 2.800 – 2.900 ha; dân số khoảng 18.500 người.
– Tính chất chức năng: Là khu vực phát triển hỗ trợ cho khu vực công nghiệp phía Nam Quốc lộ 19.

c) Khu vực phát triển số 3:

– Là khu vực Mỹ Yên mở rộng thuộc xã Tây Bình. Phát triển theo hướng xây dựng trung tâm xã Tây Bình hiện nay thành trung tâm phường dự kiến với đầy đủ hệ thống HTKT và HTXH đồng bộ; diện tích khoảng 1.300 – 1.350 ha, dân số khoảng 9.000 người;
– Phát triển các công trình công cộng cấp tiểu vùng, hình thành cực phát triển phía Đông Bắc của đô thị, các công trình công cộng gồm Bến xe khách khu vực phía Bắc, Chợ, TTTM khu vực và nâng cấp trường THPT tại khu trung tâm; gắn kết phát triển kinh tế-xã hội với thị xã An Nhơn.

d) Khu vực phát triển số 4:

– Là khu vực phát triển đô thị hóa có trọng điểm: Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 gồm Bình Hòa, Bình Thành và khu vực phía Bắc của thị trấn Phú Phong; diện tích khoảng 3.100 – 3.150 ha, dân số khoảng 27.000 người;
– Là khu vực phát triển mới, theo hướng đô thị hoá, bổ sung cơ cấu hành chính phường nội thị vào giai đoạn đến năm 2025 cho toàn đô thị.

đ) Khu vực phát triển số 5:

– Là khu vực trung tâm xã Bình Tường kết hợp với khu vực phía Tây (Hòa Lạc) của thị trấn Phú Phong, diện tích khoảng 1.800 – 1.850 ha, dân số khoảng 14.500 người
– Là khu vực đô thị hóa, gắn kết khu vực Tây Giang và trung tâm thị trấn Phú Phong hiện nay; phát triển các khu vực xây dựng thuận lợi ven Quốc lộ 19 (phía Nam); phát triển các mô hình du lịch sinh thái kết hợp với trang trại gia đình, canh tác nông nghiệp hữu cơ và kỹ thuật cao ở phía Bắc sông Kôn và mặt nước đập dâng Văn Phong; phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, đáp ứng tiêu chuẩn trở thành phường nội thị đến giai đoạn thành lập đô thị Tây Sơn.

e) Khu vực phát triển số 6:

– Là cực phát triển phía Tây của đô thị và là cửa ngõ của huyện Vĩnh Thạnh (trục ĐT 637) và tỉnh Bình Định (trục QL19); quy mô khoảng 6.300 – 6.350 ha, quy mô dân số khoảng 14.300 – 14.500 người.
– Phát triển mật độ cao khu vực Đồng Phó, mở rộng về phía Nam, kết nối với khu vực định hướng phát triển công nghiệp trên tuyến đường vào thôn Nam Giang hiện nay, tăng cường cầu Hữu Giang về phía bờ Bắc sông Kôn.
– Hoàn thiện hệ thống HTKT và HTXH theo tiêu chí phường nội thị.

g) Khu vực phát triển số 7:

– Vị trí: Là khu vực phát triển có dân cư của các xã Bình Tân, Bình Thuận, Tây Vinh, Tây An; diện tích khoảng 6.450 – 6.500 ha, dân số khoảng 29.500 – 30.000 người.
– Tính chất chức năng: là khu vực phát triển dân cư nông thôn, phát triển nông nghiệp và nông nghiệp đô thị, đảm bảo không gian tiêu thoát lũ cho toàn đô thị.

h) Khu vực phát triển số 8 và 9:

Quy mô khoảng 32.950 – 33.000 ha

– Là khu vực nông lâm nghiệp có chức năng bảo vệ, ổn định núi rừng và môi trường, chống xói mòn sạt lở đất và thoát lũ; khu vực rừng cảnh quan phía Nam: là khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn.
– Khai thác du lịch cảnh quan sinh thái khu vực Hầm Hô, Thác Đổ, Hồ Thuận Ninh…; lồng ghép, kết hợp với du lịch di tích, làng nghề trên địa bàn toàn đô thị.

Nguồn ảnh: Đình Hùng


Xem chi tiết (Click và link bên dưới):

TIN TỨC KHÁC

1