Quy hoạch đặt ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ. Kinh tế phát triển nhanh, bền vững và xanh hơn dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ du lịch, logistics và vận tải, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đô thị hóa; tất cả lĩnh vực lấy nguyên tắc phát triển bền vững là ưu tiên hàng đầu.
Đồng thời, tỉnh là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và du lịch của vùng Duyên hải miền Trung – Tây Nguyên; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại.
Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, cải thiện mạnh môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và DN lớn trong và ngoài nước; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong nhóm cao của cả nước.
Có mạng lưới kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, hệ thống đô thị phát triển theo hướng đô thị thông minh, kết nối thuận tiện với các trung tâm kinh tế của vùng, cả nước và quốc tế. Trong đó, tập trung phát triển đô thị Quy Nhơn hiện đại về không gian, kiến trúc, khai thác tiềm năng, lợi thế đặc biệt về cảnh quan và khí hậu khu vực ven đầm Thị Nại; quy hoạch xây dựng Trung tâm hành chính mới của tỉnh tại Khu kinh tế Nhơn Hội…
Tầm nhìn phát triển đến năm 2050, Bình Định tiếp tục thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung với GRDP bình quân đầu người và tỷ lệ đô thị hóa cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Là trung tâm KH&CN, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam. Kinh tế phát triển bền vững dựa trên các trụ cột: Công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ thông tin và AI; du lịch chất lượng cao; nông nghiệp hữu cơ và hệ thống logistics hiệu quả. Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số theo Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. DN trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế về một số ngành, sản phẩm mà tỉnh có lợi thế…
Quy hoạch đề ra 5 trụ cột phát triển:
- Tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp 4.0, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo giá trị cao.
- Phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.
- Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản dựa trên công nghệ cao, chuyển từ số lượng sang chất lượng.
- Phát triển đô thị nhanh và bền vững, đô thị hóa trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
- Phát triển mạnh mẽ dịch vụ cảng – logistics, khai thác hết tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất và trở thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại của tỉnh.
Cùng với đó là 3 khâu đột phá:
- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và duy trì ổn định môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương để thu hút các nhà đầu tư, các DN lớn trong và ngoài nước đến đầu tư, kinh doanh.
- Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH và xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh trong giai đoạn mới; chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng, đảm bảo cơ cấu nguồn nhân lực hợp lý theo định hướng phát triển KT-XH của tỉnh gắn với mở rộng hội nhập, giao lưu khu vực và quốc tế.
- Tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, tập trung đầu tư hạ tầng giao thông cho vùng phía Bắc tỉnh nhằm thúc đẩy cực tăng trưởng phía Bắc tỉnh, tiến tới hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng cho các ngành, lĩnh vực và địa bàn trong toàn tỉnh.
Theo Báo Bình Định từ Nghị quyết Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XIII