Dù nằm trong tốp đầu của cả nước về giải ngân vốn đầu tư công, nhưng để đảm bảo mục tiêu giải ngân theo Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15.9.2022 của Chính phủ, Bình Định cần nỗ lực nhiều hơn. Phóng viên Báo Bình Định phỏng vấn Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Thành Hải về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của công tác này trong thời gian còn lại của năm 2022.
*Xin ông cho biết kết quả thực hiện giải ngân các nguồn vốn đầu tư năm 2022 của Bình Định?
– Nhờ thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, nên công tác giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Bình Định đạt kết quả tích cực. Tính đến ngày 31.10.2022, toàn tỉnh đã thực hiện giải ngân được hơn 5.167 tỷ đồng, đạt 55,27% kế hoạch vốn được giao, trong đó thực hiện giải ngân vốn ngân sách tỉnh đạt 53,26% kế hoạch; giải ngân vốn ngân sách Trung ương đạt 57,85%.
Nếu tính theo kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm 2022 (hơn 7.645 tỷ đồng) thì tỷ lệ giải ngân của tỉnh Bình Định đạt trên 64%, nằm trong nhóm các tỉnh, thành dẫn đầu của cả nước về giải ngân vốn đầu tư công. Tuy vậy, so với tổng nguồn vốn sau khi được cấp có thẩm quyền bổ sung, thông qua (hơn 9.349 tỷ đồng) thì tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh chưa đạt 60%.
* Ông có thể chia sẻ những nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chung của tỉnh chưa được như mong muốn?
– Có nhiều yếu tố tác động, đáng kể nhất là việc Trung ương bổ sung kế hoạch vốn cho tỉnh chậm. Đến tháng 8 và tháng 9.2022, Trung ương mới phân bổ vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi, phát triển KT-XH với tổng số tiền hơn 1.140 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 12,19% tổng kế hoạch vốn tỉnh thực hiện) cho tỉnh.
Một nguyên nhân nữa là năm 2022, tỉnh Bình Định triển khai nhiều dự án mới với tổng mức đầu tư và kế hoạch vốn bố trí lớn, phải mất khá nhiều thời gian mới đảm bảo các điều kiện cần thiết để phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng rồi thi công, nên khối lượng công việc hoàn thành cũng chưa nhiều. Hơn nữa, các công trình, dự án được thực hiện trong bối cảnh giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu, giá nhân công tăng đã ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.
Ngoài ra, có một số chủ đầu tư chưa quan tâm đúng mức đến việc thực hiện công trình và giải ngân các nguồn vốn theo kế hoạch, dù phần lớn nguồn chi đầu tư đã có sẵn, nhưng việc lên khối lượng, phiếu giá để thanh toán còn chậm.
* Để đảm bảo mục tiêu theo Nghị quyết 124/NQ-CP là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt 95 – 100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, tỉnh Bình Định sẽ thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp nào trong thời gian còn lại của năm 2022, thưa ông?
– Để đảm bảo mục tiêu trên, Sở KH&ĐT tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công đối với các dự án khởi công mới năm 2022, trong đó rà soát thủ tục đầu tư, khả năng hoàn thành, khả năng giải ngân vốn đã phân bổ trong các tháng còn lại năm 2022. Những dự án vướng, chưa phê duyệt dự án thì phải báo cáo cụ thể tình hình thực hiện, trong đó nêu rõ nguyên nhân, khó khăn, hướng xử lý, điều chỉnh, gửi cấp thẩm quyền xem xét, quyết định. Riêng đối với các dự án trọng điểm của tỉnh được hỗ trợ vốn từ ngân sách Trung ương, phải giải ngân đảm bảo 100% kế hoạch vốn giao.
Bên cạnh đó, nhanh chóng trình cấp thẩm quyền hoàn thiện hồ sơ dự án theo quy định của Luật Đầu tư công đối với các dự án thuộc Chương trình phục hồi, phát triển KT-XH làm cơ sở trình cấp thẩm quyền bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 và triển khai thực hiện, giải ngân dứt điểm trong năm 2023.
Các chủ đầu tư tăng cường kiểm tra, lên kế hoạch giải ngân chi tiết, nhất là các dự án lớn, trọng điểm, có tác động lan tỏa vùng và liên vùng; tập trung đẩy nhanh tiến độ và giải ngân đúng theo văn bản cam kết. Lấy kết quả giải ngân dự án đầu tư công là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2022 của tổ chức, cá nhân được phân công theo dõi.
Đối với các dự án đã có khối lượng hoàn thành, chủ đầu tư nhanh chóng lên phiếu giá, gửi Kho bạc Nhà nước tỉnh để thực hiện thanh toán, không được để dồn vào cuối năm. Trường hợp các dự án không thể giải ngân hết kế hoạch giao năm 2022, cần đề xuất cấp thẩm quyền (thông qua Sở KH&ĐT) để điều chỉnh kế hoạch vốn sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt.
Các dự án chưa có khối lượng thanh toán do vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và các nguyên nhân bất khả kháng khác, chủ đầu tư đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh kế hoạch hoặc giảm kế hoạch vốn.
Đối với các dự án thuộc kế hoạch năm 2022 có tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng tốt, nhưng chưa được đáp ứng kịp thời về vốn để thực hiện chi trả, chủ đầu tư khẩn trương trình UBND tỉnh xem xét, ứng trước kế hoạch vốn để thực hiện, đảm bảo không ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án.
Sở KH&ĐT cũng chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh và các đơn vị liên quan theo dõi, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư theo tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 1012/2022. Cùng với đó là chủ trì, phối hợp với các chủ đầu tư kịp thời trình cấp thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung kế hoạch được giao đúng quy định; đồng thời tham mưu UBND tỉnh xử lý kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án do các chủ đầu tư đề nghị. Các sở, ngành, đơn vị tùy theo chức năng nhiệm vụ tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được UBND tỉnh giao, nhằm đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh.
* Xin cảm ơn ông!
PHẠM TIẾN SỸ – Báo Bình Định