Chương trình nâng cao chất lượng đô thị hóa tại Bình Định

Ngày 20/3/2023, Đồng chí Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Định đã ký ban hành Chương trình hành động số 21-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chương trình ghi nhận công tác quản lý và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã có những chuyển biến rõ nét, đạt nhiều kết quả quan trọng, dần khẳng định vị trí, vai trò của đô thị là động lực cho phát triển kinh tế – xã hội. Cụ thể, đến nay tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 46% cao hơn trung bình cả nước với số lượng đô thị tăng từ 14 lên 20 đô thị so với năm 2010. Trong đó có ba đô thị đã và đang trở thành động lực, là cực tăng trưởng cho cả tỉnh gồm thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn và thị xã Hoài Nhơn, riêng huyện Tây Sơn và Tuy Phước phấn đấu đạt chuẩn đô thị loại IV trước năm 2025.
Nhưng hệ thống đô thị tỉnh Bình Định chủ yếu là nhỏ và vừa; chưa có đô thị đủ các tiêu chí trở thành động lực cấp khu vực; tỷ lệ đô thị hóa phân bổ không đều; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; cây xanh công cộng đô thị còn thấp, thiếu công viên cảnh quan với quy mô phù hợp; phần lớn các đô thị chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt; công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt vẫn dùng công nghệ chôn lấp dễ gây ô nhiễm; năng lực quản lý và phát triển đô thị theo quy hoạch còn yếu, chậm được đổi mới và thiếu tính định hướng và đột phá.

Do đó, Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt mục tiêu đến năm 2030 tỷ lệ đô thị hóa phải đạt trên 60% tăng trung bình trên 2% cho mỗi năm, trong đó có 01 đô thị loại I, 02 đô thị loại III, 02 đô thị loại IV và 16 đô thị loại V; Tỷ lệ người dân đô thị sử dụng nước sạch tập trung đạt trên 95%; Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 33m2; Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GRDP của cả tỉnh đạt 85%.

Để đạt được những mục tiêu cơ bản nêu trên, Chương trình hành động đặt ra 7 nhóm nhiệm vụ chủ yếu gồm:

  • (1) thống nhất nhận thức, hành động nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng hệ thống đô thị tỉnh Bình Định phát triển bền vững, là hạt nhân, động lực trong phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh;
  • (2) hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển đô thị bền vững; (
  • 3) tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị bền vững và đồng bộ;
  • (4) nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý đô thị bền vững. Theo đó, đổi mới toàn diện về phương pháp, quy trình, nội dung và sản phẩm quy hoạch theo hướng tiếp cận đa ngành, bao trùm, tầm nhìn dài hạn có tính liên tục và thống nhất;
  • (5) phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ bộ theo hướng hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu;
  • (6) nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội gắn với an ninh và trật tự đô thị;
  • (7) phát triển kinh tế khu vực đô thị trong đó khuyến khích các đô thị xây dựng mô hình kinh tế có tính đặc thù với các sản phẩm chiến lược mang thế mạnh của từng đô thị.

Yếu tố đột phá của Chương trình là việc hình thành chuỗi đô thị phía Nam của tỉnh (bao gồm thành phố Quy Nhơn, thành phố An Nhơn, thị xã Tuy Phước, thị trấn Cát Tiến và Canh Vinh) trở thành vùng đô thị động lực cho cả tỉnh kết nối với khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên với hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại, hài hòa các tiêu chí về đô thị thông minh, xanh và giàu bản sắc, tạo ra sức hút mạnh mẽ về nguồn nhân lực, mở rộng không gian phát triển, trở thành nét đặt thù riêng của vùng đô thị ven biển trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế – xã hội và trở thành đầu tàu cho cả tỉnh.
Mật độ đô thị hóa trung bình của chuỗi đô thị này đạt 85% với số dân đô thị trên 550.000 người, đến năm 2030 phấn đấu trở thành vùng đô thị động lực cho khu vực miền Trung và Tây nguyên.

Về đối ngoại và thu hút đầu tư, lấy chuỗi đô thị phía Nam (Quy Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước, Cát Tiến, Canh Vinh) kết hợp với: sân bay Phù Cát, Cảng Quy Nhơn, Trường đại học, Trung tâm nghiên cứu khoa học, Trung tâm phần mềm để tạo sức mạnh tổng hợp làm nên giá trị nội lực riêng và nền tảng vững chắc để thu hút ngoại lực, nhất là trong xúc tiến đầu tư và thương mại, huy động nguồn lực đầu tư phát triển, chủ động mở rộng, nâng tầm quan hệ của Tỉnh với các địa phương nước ngoài, các tập đoàn kinh tế, tổ chức tài chính quốc tế nhằm phát huy tối đa nội lực, tiềm năng và lợi thế của tỉnh.

Về môi trường, Chương trình cũng đặt mục tiêu cho những năm tới sẽ phục hồi và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn đầm Thị Nại và Đề Gi trở thành không gian sinh thái cho đô thị và phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; xây dựng thêm một số công viên cây xanh cảnh quan khu vực nội thị để cải thiện môi trường khí hậu và tạo điều kiện người dân tiếp cận sử dụng, nâng cao đời sống người dân đô thị.

Theo sxd.binhdinh.gov.vn

TIN TỨC KHÁC

1