Sau 2 năm được tỉnh đầu tư triển khai kế hoạch phát triển hạ tầng khung trên địa bàn Quy Nhơn giai đoạn 2020 – 2025, hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung tại thành phố chuyển biến tích cực, tăng tính kết nối giữa các khu vực, đặc biệt hệ thống giao thông đô thị được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ. Dù vậy vẫn còn không ít khó khăn.
Theo kế hoạch số 96/KH-UBND của UBND tỉnh về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung trên địa bàn TP Quy Nhơn giai đoạn 2020 – 2025, có 12 dự án đầu tư hệ thống giao thông kết nối, thoát nước; 6 dự án đầu tư hệ thống cấp nước; 6 dự án đầu tư hệ thống thoát nước thải.
Danh Mục Bài Viết
Kết nối giao thông, giải quyết một phần tình trạng ngập úng
Công trình cải tạo, nâng cấp tuyến đường Trần Nhân Tông (đoạn từ khu dân cư phía Đông Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng đến hết cầu số 2 qua sông Hà Thanh) được liên danh các nhà thầu thực hiện tại phường Nhơn Phú đến thời điểm này đã thi công xong cầu; hệ thống điện chiếu sáng; nền, mặt đường và hệ thống thoát nước. Riêng phần thảm bê tông nhựa mặt đường, Công ty TNHH Xây dựng Tấn Thành khẳng định hoàn thiện trong tháng 12.2022. Đây là công trình được Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh triển khai thực hiện theo Kế hoạch 96/KH-UBND nhằm đảm bảo đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu phố 7, 8, phường Nhơn Phú, góp phần giảm thiểu ngập úng, nâng cao hiệu quả đầu tư cho khu vực này.
Cùng với dự án này, Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh còn triển khai dự án các tuyến đường nối từ QL 1 đến khu đô thị Long Vân (bao gồm cả hệ thống hạ tầng kỹ thuật) để giải quyết thoát nước khu đô thị Long Vân và các phường Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân; thu hút đầu tư vào khu đô thị Long Vân. Dự án này có 2 đoạn tuyến, trong đó đoạn tuyến 1,18 km đường N6 hướng Đông – Tây kết nối QL 1 đã hoàn tất đầu tư hệ thống thoát nước, giải quyết triệt để tình trạng ngập úng gây nhiều bức xúc khu vực Khu công nghiệp Phú Tài; riêng tuyến đường trục Đông – Tây kết nối tuyến đường Tây tỉnh (ĐT 638) dài 3,1 km đã hoàn thiện 70% (nền đường, hệ thống thoát nước).
Theo ông Lưu Nhất Phong, Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh, cùng với 2 dự án đầu tư cơ bản hoàn thiện trong năm nay như đã nói trên, Ban cũng đang triển khai thực hiện dự án đường vành đai khu trung tâm phần mềm và công viên khoa học thuộc đô thị khoa học và giáo dục liên ngành (phường Ghềnh Ráng). Trong khi đó, dự án đầu tư trọng điểm tuyến đường kết nối từ QL 1D đến QL 19 mới (đường ven biển) kết nối các phường Nhơn Phú, Nhơn Bình, Quang Trung sẽ triển khai thi công từ năm 2023.
Ảnh: Dũng Nhân
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Võ Hữu Thiện cho hay, tỉnh đã bố trí vốn đầu tư cho 7 công trình hệ thống giao thông khung. Đến nay, hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đã có những chuyển biến tích cực, tăng tính kết nối giữa các khu vực. Đặc biệt, hệ thống giao thông đô thị được đầu tư xây dựng đồng bộ, góp phần rút ngắn khoảng cách di chuyển giữa các phường với nhau và các phường với các khu vực phụ cận của thành phố. Bên cạnh đó, các đơn vị đã triển khai 5/6 công trình cấp nước sinh hoạt.
Còn nhiều vướng mắc, khó khăn
Riêng dự án đầu tư công trình đường Ngô Mây nối dài với mục tiêu xóa bỏ ngăn cách giữa khu vực trung tâm thành phố và khu đô thị hồ Phú Hòa, góp phần thu hút đầu tư và phát triển đô thị, đến nay vẫn chưa triển khai được. Ông Lưu Nhất Phong lý giải: Dự án ảnh hưởng đối với 220 hộ dân thì hơn 100 hộ thuộc diện lấn chiếm nên chưa thể giải phóng được mặt bằng.
Đánh giá việc triển khai kế hoạch, Sở Xây dựng cho rằng các chủ đầu tư được giao nhiệm vụ thực hiện Kế hoạch 96/KH-UBND còn bị động trong việc xây dựng kế hoạch chi tiết, nghiên cứu, tìm kiếm và đề xuất nguồn vốn đầu tư hạ tầng khung, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện. Đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về quy định trích lập, sử dụng nguồn kinh phí từ việc bán đấu giá quyền sử dụng đất của các dự án đầu tư khu đô thị, khu dân cư để đầu tư hạ tầng kỹ thuật khung đô thị. Do đó, các đơn vị chưa đủ căn cứ để đề xuất UBND tỉnh quy định việc trích lập, sử dụng nguồn kinh phí này, kinh phí triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, thành phố mới chỉ đề xuất hệ thống thoát nước thải dọc tuyến đường Điện Biên Phủ nối dài đến QL 19 mới thông qua việc giao chỉ tiêu kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2021, dự kiến triển khai giai đoạn 2021 – 2022, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện được. Các hệ thống thoát nước khác vẫn chưa có kế hoạch đầu tư.
Một vấn đề nữa là các dự án khu dân cư, khu đô thị, khu tái định cư được triển khai đầu tư rời rạc, không có sự đồng bộ về tổng thể theo định hướng của quy hoạch đã được phê duyệt do khó khăn về nguồn vốn, chính sách đầu tư, quá trình quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật… Theo ông Võ Hữu Thiện, những giải pháp đầu tư nhỏ lẻ, rời rạc không có tính kết nối về lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng ngập úng cục bộ, ô nhiễm môi trường, tốn nhiều kinh phí để thực hiện công tác quản lý, vận hành hệ thống thu gom và xử lý nước thải, giải quyết tình trạng ngập úng cục bộ, duy tu sửa chữa hệ thống giao thông bị hư hỏng do ngập úng…
Theo Mai Hoàng – Báo Bình Định