Tây Sơn kỳ vọng phát triển vượt bật lên thị xã

Tinh thần “đi trước mở đường”, giao thông là “mạch máu” được huyện Tây Sơn xác định làm tiền đề để phát triển KT-XH ở địa phương. Nhiều công trình được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp đã tạo ra những ảnh hưởng tích cực phát triển KT-XH, tác động sâu sắc đến đời sống nhân dân.

Nhịp cầu nối ước mơ

Nằm ở thượng nguồn sông Côn, Hữu Giang là một thôn thuần nông của xã Tây Giang, nhưng tách biệt hoàn toàn với “thế giới” bên kia sông. Ông Nguyễn Quốc Phong, Bí thư Chi bộ thôn Hữu Giang giãi bày: Chỉ cách trung tâm xã 1 km nhưng nhiều năm qua, Hữu Giang là một “ốc đảo”. Cũng vì vậy mà đời sống người dân chưa khá lên được. Bởi sản xuất ra cái gì bán cũng rẻ do phải chịu thêm chi phí vận chuyển. Ngược lại, mua hàng hóa, nhất là vật liệu làm nhà cửa; tiền công cán luôn đắt đỏ do gánh thêm tiền công vận chuyển.

Ước mơ của người dân Hữu Giang sắp trở thành hiện thực, vì chỉ trong thời gian ngắn nữa thôi, sẽ có một cây cầu bê tông cốt thép trăm tỷ vững chãi được xây dựng nối đôi bờ vui. Nở nụ cười tràn đầy ước mơ và hy vọng, ông Trần Văn Thông (70 tuổi) hào hứng nói: Nghe tin cầu mới sẽ được xây dựng trong năm tới, già trẻ gái trai ai cũng khấp khởi vui mừng. Bởi với người dân nơi đây, được bước chân thong thả hay lái xe về nhà trên cây cầu nối đôi bờ sông Côn là ao ước bao đời qua.

Xét ở góc độ kinh tế, khi giao thông phát triển, ranh giới hành chính giữa các địa phương chỉ còn là khái niệm. Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Phan Chí Hùng chia sẻ rằng: Cách trở một dòng sông mà dường như hai bên bờ là hai thái cực phát triển. Cánh Bắc hoang sơ với nhà cửa chắp nối, dân cư rải rác. Còn cánh Nam nhà cửa san sát, ánh đèn rực rỡ, nhộn nhịp ngày đêm. Khi cầu Hữu Giang (trị giá 153 tỷ) và Cầu Bình Thành (trị giá 195 tỷ) được xây dựng, cùng với công trình cầu trên Đập dâng Phú Phong (đang xây dựng) và các cây cầu hiện hữu sẽ tạo ra những điểm nhấn tích cực đối với huyện. Những vùng đất rộng lớn đầy tiềm năng ở cánh Bắc sẽ được đánh thức.

“Một khi hệ thống giao thông kết nối hai bờ sông Côn được đầu tư liên hoàn, đồng bộ sẽ hòa nhịp với các tuyến đường khác trên địa bàn huyện tạo thế vươn đến tương lai giàu đẹp của quê hương”, ông Hùng khẳng định.

Kỳ vọng phát triển vượt bậc

Trò chuyện với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Phan Chí Hùng say sưa nói về công tác quy hoạch, đầu tư, phát triển đô thị. Ông chia sẻ rằng, bản thân dành rất nhiều thời gian đi thực tế tại cơ sở và suy nghĩ để định hướng khu vực này nên xây dựng công trình gì? Khi xây thì được gì và mất gì?

“Chủ trương xây dựng các công trình trọng điểm lớn trên địa bàn huyện đã được cấp trên thông qua. Bây giờ, chúng tôi chỉ bắt tay vào hành động. Mà muốn làm cho đẹp, cho chất lượng, người dân vừa có lợi vừa hài lòng thì mình phải thật sự tâm huyết”, ông Hùng nói.

Vài năm tới, hệ thống kết cấu hạ tầng của Tây Sơn sẽ hoàn chỉnh, đồng bộ khi có nhiều trục đường kết nối tất cả các hướng trên địa bàn: Cao tốc Bắc – Nam; đường nối QL 19 và 19B; tuyến đường từ Bình Thành đi Bình Thuận kết nối đường phía Tây tỉnh; đường từ Bảo tàng Quang Trung kết nối tháp Dương Long; đường tránh phía Nam thị trấn Phú Phong… Những cung đường này sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải, tăng cường kết nối giao thông theo cả hướng Đông – Tây và Bắc – Nam. Đồng thời, mở rộng quỹ đất để phát triển đô thị, dịch vụ thương mại, du lịch, phục vụ nhu cầu phát triển KT-XH trong tương lai gần.

 

Để hiện thực hóa mục tiêu “lên thị”, huyện Tây Sơn đang đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư cho đô thị. Trên cơ sở Chương trình phát triển đô thị Tây Sơn đến năm 2035, phấn đấu xây dựng đạt tiêu chí đô thị loại IV trước năm 2025 và trở thành thị xã trước năm 2030, huyện tập trung khai thác lợi thế vị trí địa lý, tự nhiên có sông Côn chảy qua giữa đô thị và hệ thống các giá trị văn hóa – lịch sử độc đáo.

Trong đó, huyện sẽ khai thác tối đa lợi thế của sông Côn bằng việc quy hoạch các khu đô thị dọc sông như Tây Giang, Bình Tường, Bắc sông Côn, Phú An, Bình Thành theo hướng phát triển đô thị xanh, nhà ở mật độ thấp với kiến trúc mang nét đặc trưng.

Đồng thời, huyện đã lập 9 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 ở 9 khu vực dự kiến phát triển lên phường để làm cơ sở đầu tư và tổ chức không gian của đô thị. Ngoài ra, “đô thị lõi” Phú Phong và các khu dân cư hiện hữu cũng sẽ được đầu tư nhiều công trình, hạng mục chỉnh trang để nâng tầm bộ mặt đô thị.

Có thể thấy, công tác quy hoạch, đầu tư nhất là quy hoạch giao thông gắn với quy hoạch tổng thể đi trước một bước với tầm nhìn xa đã và đang làm thay đổi hẳn diện mạo của “đất võ” để trở thành vùng động lực phát triển tiểu vùng KT-XH phía Nam của tỉnh.

Theo Hồng Phúc – Báo Bình Định

TIN TỨC KHÁC

1