Ngoài du lịch, Quy Nhơn đang trở thành điểm đến của các tập đoàn công nghệ hàng đầu nhờ định hướng trở thành “thành phố khoa học công nghệ” trong tương lai.
Ông Nguyễn Hữu Hà, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định trao đổi với VnExpress về những lợi thế cũng như thách thức của địa phương trong quá trình phát triển đô thị khoa học, sáng tạo.
Danh Mục Bài Viết
- Với vị trí ven biển, nhiều lợi thế về thiên nhiên để phát triển du lịch, tại sao tỉnh lại định hướng Quy Nhơn sẽ là thành phố khoa học công nghệ?
- Đâu là dấu ấn của Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) sau 10 năm hoạt động?
- Tại sao tỉnh muốn thí điểm xây dựng dự án Khu đô thị khoa học Quy Hòa?
- Trong quá trình triển khai dự án, Bình Định gặp những khó khăn gì?
- Tỉnh có chính sách nào đặc biệt để thu hút nhân sự ngành khoa học công nghệ?
- Kế hoạch của Bình Định để thúc đẩy lĩnh vực khoa học công nghệ thời gian tới là gì?
Với vị trí ven biển, nhiều lợi thế về thiên nhiên để phát triển du lịch, tại sao tỉnh lại định hướng Quy Nhơn sẽ là thành phố khoa học công nghệ?
– Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nhưng để tạo sự bứt phá, Bình Định phải có hướng đi khác biệt. Tỉnh chọn khoa học công nghệ, sáng tạo nhằm thực hiện chiến lược phát triển bền vững và lâu dài cho địa phương. Phát triển khoa học, du lịch khoa học là một hướng đi đặc biệt của Bình Định dựa trên nền tảng và tiềm năng của Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) cùng Khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa mang lại.
Với tầm nhìn chiến lược, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã xác định việc đầu tư cho khoa học, công nghệ là đầu tư cho lâu dài và nó cũng là đòn bẩy để đưa nền kinh tế của tỉnh đột phá. Bên cạnh sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, còn có sự tư vấn và hỗ trợ về mặt ý tưởng cũng như đóng góp quan trọng cho định hướng này của tỉnh từ các nhà khoa học quốc tế về tham dự các hội nghị tại ICISE do GS. Trần Thanh Vân – Chủ tịch Hội gặp gỡ Việt Nam kết nối.
Phát triển khoa học, du lịch khoa học là một hướng đi đặc biệt của Bình Định dựa trên nền tảng và tiềm năng của ICISE cùng Khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa mang lại. Đây là một lợi thế và đặc trưng mà khó có một địa phương nào trên cả nước có được.
Quy Nhơn đang dần trở thành điểm đến của các doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Trong tương lai, thành phố này sẽ đi đầu trong sản xuất, xuất khẩu sản phẩm trí tuệ nhân tạo và công nghệ phần mềm ở Việt Nam.
Đâu là dấu ấn của Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) sau 10 năm hoạt động?
– Năm 2013, với sự giúp đỡ của các nhà khoa học quốc tế, đứng đầu là Giáo sư Trần Thanh Vân (Việt kiều Pháp), Hội Gặp gỡ Việt Nam, bộ, ban ngành Trung ương và địa phương Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (International Center for Interdisciplinary Science and Education – ICISE) ra mắt tại Quy Nhơn.
ICISE sẽ là nơi gặp gỡ của các nhà khoa học trong nước và quốc tế; thu hút chất xám, giúp đỡ các sinh viên và nhà khoa học trẻ Việt Nam hội nhập vào cộng đồng khoa học quốc tế. Trung tâm sẽ nuôi dưỡng, vun đắp tình yêu khoa học cho thế hệ trẻ. Các viện nghiên cứu tại ICISE và Khu đô thị khoa học Quy Hòa, các trường đào tạo chất lượng cao tại Quy Nhơn sẽ là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học và công nghệ không chỉ cho tỉnh Bình Định mà còn cho cả nước.
Sau 10 năm Trung tâm ICISE đã tổ chức thành công các hội thảo, hội nghị khoa học, các lớp học chuyên đề trong nước và quốc tế thu hút hơn 10.000 nhà khoa học từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ tới tham dự trong đó có 18 giáo sư đoạt giải Nobel và hàng trăm nhà khoa học hàng đầu thế giới ở nhiều lĩnh vực
Sau ICISE, tỉnh quy hoạch xây dựng Khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa có quy mô 242 ha tại TP Quy Nhơn để thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu. Hiện tại đây có dự án Công viên sáng tạo TMA của Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Tường Minh Bình Định, dự án Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ FPT software.
Tại sao tỉnh muốn thí điểm xây dựng dự án Khu đô thị khoa học Quy Hòa?
– Khu Đô thị khoa học Quy Hòa với trọng tâm là Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) là một mô hình hoàn toàn mới và đầu tiên trong cả nước. Dự án này giữ vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội miền Trung – Tây Nguyên và cả nước. Mục tiêu của khu đô thị hướng đến là phát triển Quy Nhơn thành một thành phố khoa học hàng đầu của Việt Nam, nơi giao lưu của các nhà khoa học hàng đầu thế giới. Ngoài ra, khu đô thị còn phát huy chất xám trong nghiên cứu khoa học, gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học và hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; thu hút các nguồn lực trong nước và nước ngoài, tạo động lực thúc đẩy phát triển khoa học và giáo dục.
Khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa được quy hoạch gồm 3 phân khu: Khu hội tụ khoa học (ICISE, viện nghiên cứu, trường kỹ sư chất lượng cao…), Khu công viên khoa học và trung tâm phần mềm (gồm các hoạt động vui chơi khoa học, nhà mô hình vũ trụ, nhà nghiên cứu phần mềm…), Khu tái định cư và biệt thự nghỉ dưỡng của các chuyên gia.
Để thúc đẩy dự án này, Bình Định đã xây dựng và đang tiếp tục hoàn thiện trình Trung ương cho thí điểm đề án phát triển Khu đô thị khoa học Quy Hòa đến năm 2025, tầm nhìn 2035 với định hướng phát triển Quy Nhơn thành một thành phố khoa học hàng đầu Việt Nam. Tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu 1/2000 Khu đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa; phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch 1/500 Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ FPT Software.
Trong quá trình triển khai dự án, Bình Định gặp những khó khăn gì?
– Một số đơn vị, địa phương chưa hiểu đúng mức về vai trò then chốt của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế – xã hội, từ đó dẫn đến thiếu các giải pháp chỉ đạo cụ thể để đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ.
Thêm vào đó, phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quy mô nhỏ và vừa, nguồn lực tài chính và con người hạn chế nên ít quan tâm đến hoạt động chuyển giao, đầu tư đổi mới công nghệ. Số doanh nghiệp quan tâm đến ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ và đổi mới công nghệ vào sản xuất kinh doanh không nhiều.
Chính sách khuyến khích và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cũng đã được tỉnh quan tâm, song vẫn chưa đủ sức hấp dẫn để có thể thu hút các nhân lực trình độ cao, đặc biệt là các nhà khoa học có uy tín và chuyên gia hàng đầu về làm việc tại tỉnh. Chế độ đãi ngộ của tỉnh chưa đủ hấp dẫn để nhân lực cơ hữu tại tỉnh phát huy tối đa năng lực để cống hiến cho địa phương.
Ngoài ra, điều kiện làm việc chưa đồng bộ cũng là rào cản để các nhà khoa học đến làm việc và cống hiến cho tỉnh, đặc biệt là các nhà khoa học người Việt tại nước ngoài.
Công tác hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế; chưa có những ý tưởng, dự án khởi nghiệp mang tính đột phá, điển hình; chưa huy động và kết nối được các nguồn lực trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ một cách hiệu quả cho khởi nghiệp sáng tạo.
Tỉnh có chính sách nào đặc biệt để thu hút nhân sự ngành khoa học công nghệ?
– Nhu cầu về nhân lực chất lượng cao cho khoa học công nghệ là rất lớn. Sự đa dạng về các ngành nghề, lĩnh vực (khoa học tự nhiên, công nghệ thông tin, ngoại ngữ, quản lý du lịch, tổ chức sự kiện, …) tạo ra công ăn việc làm, luôn đi kèm là những yêu cầu, tiêu chí khắc khe về nguồn nhân lực có trình độ, thậm chí là trình độ chuyên môn cao.
Trong những năm qua, tỉnh cũng đã có nhiều chính sách khuyến khích và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao, mới đây nhất có Quyết định số 47 ngày 8/8/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực tỉnh Bình Định giai đoạn 2022-2025.
Đồng thời tỉnh đang thực hiện chính sách thu hút, sử dụng và trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn tại thông tư số 05 của Bộ Khoa học Công nghệ ban hành ngày 22/5/2023 quy định chi tiết một số nội dung về thu hút, sử dụng và trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ.
Kế hoạch của Bình Định để thúc đẩy lĩnh vực khoa học công nghệ thời gian tới là gì?
– Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bình Định luôn đặt ra mục tiêu phát triển khoa học – công nghệ tạo nền tảng phát triển nhanh, bền vững; đưa khoa học và công nghệ thành nền tảng, động lực phát triển kinh tế – xã hội và phát triển bền vững, đáp ứng với yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tiếp tục xây dựng Bình Định trở thành điểm đến của các doanh nghiệp công nghệ, nhà khoa học trên thế giới và trong nước.
Các giải pháp địa phương đã đề ra gồm: Thứ nhất, tăng cường công tác chỉ đạo của các cấp chính quyền đối với phát triển khoa học và công nghệ; triển khai đồng bộ các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ; tiếp tục triển khai ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao.
Thứ hai, tập trung ứng dụng khoa học, công nghệ góp phần phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao; thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại, hiệu quả cao với quy mô phù hợp theo từng ngành hàng, sản phẩm và thị trường. Triển khai các chính sách về hỗ trợ đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới cơ chế về tổ chức, quản lý hoạt động khoa học và công nghệ, đầu tư tiềm lực khoa học và công nghệ. Đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế về khoa học và công nghệ.
Theo VnExpress.net