Quy Nhơn đang trên hành trình định vị là một trong các đô thị trung tâm của vùng duyên hải miền Trung, trung tâm kinh tế biển của quốc gia đến năm 2035 và có vị trí quan trọng trong hệ thống đô thị quốc gia cũng như khu vực Đông Nam Á. Hướng tới mục tiêu đó, Quy Nhơn ưu tiên mở rộng không gian đô thị, phát huy tối đa thế mạnh dựa vào biển.
Danh Mục Bài Viết
Quy hoạch hướng biển
Cụ thể hóa quy hoạch chung
Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050, hướng đến phát triển đô thị hiện đại và bền vững. Theo đó, thành phố và vùng phụ cận sẽ phát triển không gian đô thị về phía Bắc, Tây và Tây Nam, theo 9 khu vực với tổng diện tích gần 68.000 ha, bao gồm TP Quy Nhơn, huyện Tuy Phước, một phần huyện Vân Canh và huyện Phù Cát.
Vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt các quy hoạch phân khu 12 phường nội thành, quy hoạch phân khu phường Nhơn Bình – Nhơn Phú, khu phố 1 và 9 thuộc phường Trần Quang Diệu, Khu đô thị Long Vân tại phường Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân. UBND TP Quy Nhơn đã phê duyệt nhiều đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu dân cư tại các phường Đống Đa, Nhơn Bình, Nhơn Phú, Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân, nhằm mở rộng không gian đô thị, phục vụ công tác chỉnh trang đô thị, xây dựng khu tái định cư…
Thành phố cũng tạo không gian mở, bằng việc nâng cấp, cải tạo các quảng trường hiện có; đầu tư xây dựng Công viên Xuân Diệu tạo điểm nhấn cho không gian vịnh Quy Nhơn, chỉnh trang một số tuyến đường như Hoàng Văn Thụ, Thanh Niên; xây dựng một số bãi đậu đỗ ô tô…
Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư lớn cũng đã thực hiện những khu đô thị mới như: An Phú Thịnh, Đại Phú Gia, FLC, Hưng Thịnh, Nhơn Hội NewCity… qua đó góp phần ngày càng hoàn thiện quy hoạch chung của thành phố biển.
Bức tranh đô thị Quy Nhơn thời gian tới sẽ như thế nào?
– Quy hoạch thành phố tập trung phát triển khu vực đô thị ven biển, xây dựng hình ảnh đô thị biển vùng Duyên hải miền Trung, tạo ra đô thị động lực ven biển với các cơ hội thu hút nghỉ dưỡng dựa trên lợi thế về văn hóa, cảnh quan thiên nhiên.
Các trục đô thị chính mở rộng không gian ra hướng Đông với các xã Nhơn Hội, Nhơn Hải, Nhơn Lý; mở rộng ra hướng Tây, Bắc thì có các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú, Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân. Riêng trên hai trục không gian mở rộng này, chỉ thời gian ngắn gần đây, một loạt dự án đầu tư khu đô thị mới cũng đã bắt đầu nên vóc nên hình như khu đô thị mới Chợ Góc, Tường Vân, Long Vân, GreenHill… Đặc biệt dự án đầu tư Merryland Quy Nhơn hứa hẹn sẽ đưa Hải Giang trở thành một “thành phố bán đảo” với không gian đô thị biển, đô thị du lịch độc đáo…
Đồng thời, việc quy hoạch hướng biển sẽ mở rộng không gian Quy Nhơn về phía Đông qua bán đảo Phương Mai trong phạm vi Khu kinh tế Nhơn Hội và các vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Thành phố phát huy giá trị sinh thái và không gian của đầm Thị Nại tại các dự án và đồ án quy hoạch như Tini Dream Quy Nhơn; quy hoạch chi tiết 1/500 khu phía Đông đầm Thị Nại, hướng đến mục tiêu đưa khu vực này trở thành khu đô thị nghỉ dưỡng sinh thái số 1 Việt Nam. Bên cạnh đó, kết nối chuỗi giá trị cảnh quan, tài nguyên du lịch dọc biển Quy Nhơn – Phù Cát.
Song song với việc mở rộng không gian đô thị, thành phố cũng đang xây dựng, phát triển và bảo tồn làng chài Nhơn Lý, Nhơn Hải; triển khai xây dựng mở rộng các khu dân cư, chỉnh trang các đô thị hiện hữu… Khi đó Quy Nhơn sẽ là một đô thị hiện đại, văn minh, đồng bộ về hạ tầng.
Hướng đến đô thị thông minh, “thiên đường biển”
Trăn trở trong quá trình phát triển đô thị Quy Nhơn
– Dễ thấy nhất là hạ tầng giao thông đô thị ngày càng quá tải, lượng phương tiện tham gia giao thông lớn, áp lực càng tăng nhưng số lượng các bến, bãi đậu ô tô còn ít và hạn chế. Hơn thế, thành phố đang hướng đến phát triển đô thị thông minh – Quy Nhơn “thiên đường biển”, giữ vững và phát huy thành phố du lịch sạch ASEAN, trong đó chú trọng đến xây dựng lối sống văn minh đô thị, tuy nhiên ý thức của một số người dân chưa cao, vẫn còn tình trạng lấn chiếm đất xây dựng trái phép, lấn chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán, đổ nước thải, rác thải ra đường…
Thách thức trên hành trình xây dựng Quy Nhơn thành đô thị thông minh, thành phố đáng sống
Cùng với đô thị biển, từng bước xây dựng Quy Nhơn thành đô thị thông minh, thành phố đáng sống. Đây là việc rất cấp thiết, nhưng thành phố vẫn còn nhiều vấn đề, đặc biệt áp lực về hạ tầng, môi trường và dân cư. Vì vậy, việc kiến tạo đô thị thông minh đã khó, để Quy Nhơn trở thành “thành phố đáng sống” lại càng khó hơn.
Nhiều giải pháp để từng bước xây dựng đô thị thông minh, thành phố đáng sống đang được triển khai. Đó là thực hiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ phận một cửa điện tử, dịch vụ hành chính công mức độ 3, 4. Xây dựng hệ thống thông tin điện tử trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai để người dân có thể tra cứu thông tin. Từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu số hệ thống hạ tầng như cây xanh, cấp nước, thoát nước…; xây dựng bản đồ số hộ kinh doanh, đưa ứng dụng EtaxMobile lên cổng chính quyền điện tử để cá nhân, hộ kinh doanh sử dụng trên thiết bị di dộng. Lắp đặt một số tiện ích thông minh tại các khu vực công cộng, lắp đặt camera đưa về hệ thống giám sát của thành phố.
Theo bài phỏng vấn của Báo Bình Bình Định với Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam