UBND tỉnh Bình Định có Quyết định số 1536/QĐ-UBND Về việc phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Phù Mỹ đến năm 2035
Danh Mục Bài Viết
- 1. Tên đồ án:
- 2. Phạm vi, ranh giới, quy mô và thời hạn lập quy hoạch:a) Vị trí, phạm vi ranh giới:
- b) Quy mô, thời hạn lập quy hoạch:
- 3. Mục tiêu, tính chất, chức năng quy hoạch:
- 4. Các chỉ tiêu dự báo phát triển vùng:
- a) Dự báo phát triển dân số, lao động:
- b) Dự báo quy hoạch sử dụng đất:
- 5. Định hướng phát triển không gian vùng:
- 5.1. Phân vùng phát triển kinh tế:
- a) Phân Vùng I: Phía Bắc huyện, bao gồm địa giới hành chính các xã: Mỹ Châu, Mỹ Lộc, Mỹ Lợi, Mỹ Phong và thị trấn Bình Dương.
- b) Phân vùng II: Phía Tây và phía Nam của huyện, gồm thị trấn Phù Mỹ và các xã Mỹ Trinh, Mỹ Hòa, Mỹ Quang, Mỹ Hiệp, Mỹ Chánh Tây, Mỹ Tài.
- c) Phân vùng III: Khu vực ven biển phía Đông và một phần phía Nam huyện Phù Mỹ gồm các xã Mỹ Đức, Mỹ Thắng, Mỹ An, Mỹ Thọ, Mỹ Chánh, Mỹ Thành và Mỹ Cát.
- 5.2. Định hướng phát triển hệ thống đô thị:
- a) Định hướng phát triển đô thị:
- b) Phấn đấu giai đoạn 2030 – 2050 toàn huyện đạt tiêu chí đô thị loại IV, trở thành thị xã. (Giai đoạn 2021-2030 chưa nằm trong kế hoạch phân loại đô thị của Quốc gia).
- 5.3. Định hướng phát triển khu dân cư nông thôn:
- 5.4. Định hướng phát triển công nghiệp:
- 5.5. Định hướng phát triển văn hoá:
- 5.6. Định hướng phát triển du lịch:
- 6. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng xã hội:
- 7. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật:
- 7.1. Định hướng giao thông:
- a) Giao thông đối ngoại:
- b) Giao thông đối nội:
- c) Công trình đầu mối giao thông:
1. Tên đồ án:
Quy hoạch xây dựng vùng huyện Phù Mỹ đến năm 2035.
2. Phạm vi, ranh giới, quy mô và thời hạn lập quy hoạch:a) Vị trí, phạm vi ranh giới:
Phạm vi ranh giới lập quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của huyện Phù Mỹ với diện tích tự nhiên khoảng 556,08km2, gồm: thị trấn Phù Mỹ, thị trấn Bình Dương và 17 xã (Mỹ Đức, Mỹ Châu, Mỹ Thắng, Mỹ Lộc, Mỹ Lợi, Mỹ An, Mỹ Phong, Mỹ Trinh, Mỹ Thọ, Mỹ Hòa, Mỹ Thành, Mỹ Chánh, Mỹ Chánh Tây, Mỹ Quang, Mỹ Hiệp, Mỹ Tài, Mỹ Cát), có giới cận như sau:
- Phía Bắc giáp : Thị xã Hoài Nhơn;
- Phía Nam giáp : Huyện Phù Cát;
- Phía Đông giáp : Biển Đông;
- Phía Tây giáp : Huyện Hoài Ân và huyện Phù Cát.
b) Quy mô, thời hạn lập quy hoạch:
- Quy mô diện tích: 556,08km2.
- Thời hạn lập quy hoạch: Đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
3. Mục tiêu, tính chất, chức năng quy hoạch:
- Cụ thể hóa quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Định đã được phê duyệt, các chủ trương, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Trung ương, của Tỉnh và của Huyện; xác định các vùng động lực phát triển, mô hình phát triển không gian vùng; định hướng quy hoạch tổ chức không gian, hệ thống đô thị, phát triển dân cư, phân loại, phân cấp, xác định tính chất đô thị; bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa địa phương. Định hướng phát triển văn hoá, góp phần xây dựng trung tâm văn hoá phía Nam vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
- Là vùng tổng hợp phát triển nông nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gắn với phát triển năng lượng sạch; dịch vụ, du lịch và kinh tế biển dựa trên lợi thế hệ thống giao thông Quốc gia và của tỉnh. Là vùng kinh tế quan trọng thuộc tiểu vùng phía Bắc của tỉnh.
- Làm cơ sở để quản lý quy hoạch, triển khai lập quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và các dự án có liên quan.
4. Các chỉ tiêu dự báo phát triển vùng:
a) Dự báo phát triển dân số, lao động:
- Dân số: hiện trạng dân số khu vực lập quy hoạch khoảng 161.667 người; đến năm 2035, dân số trong khu vực sẽ đạt khoảng 183.100 người.
- Tổng lao động làm việc trong các ngành kinh tế đến năm 2035 chiếm khoảng 69,9% dân số.
b) Dự báo quy hoạch sử dụng đất:
- Đất xây dựng toàn huyện: Hiện trạng năm 2020 khoảng 6.064,96ha; đến năm 2035 khoảng 7.348ha.
- Đất xây dựng đô thị: Hiện trạng khoảng 768,2ha; đến năm 2035 khoảng 4.377ha.
- Đất xây dựng điểm dân cư nông thôn: Hiện trạng năm 2020 khoảng 5.296,76ha; đến năm 2035 khoảng 2.971ha.
5. Định hướng phát triển không gian vùng:
5.1. Phân vùng phát triển kinh tế:
a) Phân Vùng I: Phía Bắc huyện, bao gồm địa giới hành chính các xã: Mỹ Châu, Mỹ Lộc, Mỹ Lợi, Mỹ Phong và thị trấn Bình Dương.
Là vùng phát triển đô thị, nông nghiệp và du lịch sinh thái. Trọng tâm là thị trấn Bình Dương, tập trung phát triển đô thị về phía Bắc của xã Mỹ Lợi. Phát triển dịch vụ thương mại kết nối từ Bình Dương, xã Mỹ Lợi và đầm Trà Ổ. Quy hoạch các lưu vực đảm bảo thoát lũ về hướng đầm Trà Ổ; định hướng phát triển nông nghiệp và hình thành không gian du lịch sinh thái gắn với đầm Trà Ổ và biển Đông.
b) Phân vùng II: Phía Tây và phía Nam của huyện, gồm thị trấn Phù Mỹ và các xã Mỹ Trinh, Mỹ Hòa, Mỹ Quang, Mỹ Hiệp, Mỹ Chánh Tây, Mỹ Tài.
Là vùng phát triển đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch sinh thái và công nghiệp phụ trợ. Trọng tâm là thị trấn Phù Mỹ; cải tạo chỉnh trang đô thị và phát triển đô thị tại xã Mỹ Hiệp định hướng là đô thị loại V. Bảo tồn các lưu vực thoát lũ hệ thống sông, suối về hướng đầm Đề Gi; ổn định khu vực sản xuất nông nghiệp. Quy hoạch phát triển công nghiệp tại thị trấn Phù Mỹ, xã Mỹ Hiệp và xã Mỹ Chánh Tây; hình thành khu vực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở phía Tây phụ trợ cho các đô thị, kết hợp tổ chức các điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn với hồ đập hiện có ở Phía Tây.
c) Phân vùng III: Khu vực ven biển phía Đông và một phần phía Nam huyện Phù Mỹ gồm các xã Mỹ Đức, Mỹ Thắng, Mỹ An, Mỹ Thọ, Mỹ Chánh, Mỹ Thành và Mỹ Cát.
Là vùng phát triển đô thị, du lịch biển. Phát triển công nghiệp chế biến thủy sản ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển kinh tế biển, kết hợp với an ninh quốc phòng tại xã Mỹ Thành. Phát triển năng lượng tái tạo, du lịch biển gắn với biển Đông và cảnh quan sinh thái của đầm Đề Gi. Bảo tồn cảnh quan và đa dạng sinh học đầm Trà Ổ và Đề Gi, phát triển đầm Trà Ổ trở thành khu du lịch sinh thái của tỉnh; tập trung phát triển đô thị tại 04 xã Mỹ Thọ, Mỹ Thành, Mỹ An và Mỹ Đức đạt chuẩn đô thị loại V; phát triển năng lượng tái tạo tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên tại khu vực; hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển.
5.2. Định hướng phát triển hệ thống đô thị:
a) Định hướng phát triển đô thị:
- Năm 2023, huyện Phù Mỹ có 03 đô thị loại V gồm: thị trấn Phù Mỹ, Bình Dương và đô thị Mỹ Chánh.
- Đến năm 2025: Hình thành mới 01 đô thị loại V là xã Mỹ Thành.
- Giai đoạn 2026 – 2030: Phấn đấu hình thành mới 01 đô thị loại V là xã Mỹ An.
- Giai đoạn sau năm 2030: Hình thành mới 03 đô thị loại V là các xã Mỹ Thọ, Mỹ Đức và Mỹ Hiệp.
(*) Các xã Mỹ An, Mỹ Thọ, Mỹ Đức và Mỹ Hiệp chưa nằm trong Kế hoạch phân loại đô thị quốc gia giai đoạn 2021-2030.
b) Phấn đấu giai đoạn 2030 – 2050 toàn huyện đạt tiêu chí đô thị loại IV, trở thành thị xã. (Giai đoạn 2021-2030 chưa nằm trong kế hoạch phân loại đô thị của Quốc gia).
5.3. Định hướng phát triển khu dân cư nông thôn:
Phát triển khu dân cư nông thôn trên cơ sở ổn định, khoanh vùng các điểm dân cư hiện có. Tập trung phát triển các điểm dân cư mới tại khu vực trung tâm xã, dọc các trục đường chính của xã và trên cơ sở lấp đầy theo dân cư hiện hữu. Tiếp tục phấn đấu để huyện Phù Mỹ đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2023; Xây dựng, nâng cao chất lượng tiêu chí các xã nông thôn mới theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng công nghiệp, hiện đại, đồng thời phải giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương; định hướng đến năm 2030 có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và có ít nhất 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
5.4. Định hướng phát triển công nghiệp:
Duy trì 03 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động gồm Cụm công nghiệp Bình Dương, Diêm Tiêu và Đại Thạnh. Hình thành mới 04 cụm công nghiệp gồm: Cụm công nghiệp Tân Tường An (xã Mỹ Quang); Cụm công nghiệp thủy sản Mỹ Thành; Cụm công nghiệp Trung Hiệp (xã Mỹ Chánh Tây) và Cụm công nghiệp Trung Thành (xã Mỹ Quang). Phát triển khu vực công nghiệp tại khu vực phía Tây Nam xã Mỹ Hiệp.
5.5. Định hướng phát triển văn hoá:
Định hướng phát triển văn hoá góp phần xây dựng trung tâm văn hoá phía Nam vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; cải tạo các di tích lịch sử văn hóa,… phục vụ du lịch; kiến trúc cảnh quan đô thị có bản sắc văn hóa riêng.
5.6. Định hướng phát triển du lịch:
- Hình thành 02 khu vực phát triển du lịch: Khu vực phát triển du lịch đầm Trà Ổ, định hướng phát triển đầm Trà Ổ trở thành trung tâm du lịch sinh thái bảo tồn các giá trị cảnh quan tự nhiên, đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng gắn với cảnh quan thiên nhiên đầm Trà Ổ. Khu vực phát triển đô thị, dịch vụ du lịch biển nằm ở phía Đông Nam của Mỹ Thành.
- Hình thành điểm du lịch Tân Phụng: Phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, trải nghiệm các hoạt động của làng chài Tân Phụng, tham quan danh thắng mũi Vi Rồng, ngọn Hải Đăng và các điểm du lịch dịch vụ gắn với các hồ phía Tây của huyện. Xây dựng vành đai du lịch khép kín kết nối các điểm và khu du lịch: Khu đô thị du lịch biển Mỹ Thành, đầm Đề Gi, mũi Vi Rồng, đầm Trà Ổ, bãi biển, các điểm dịch vụ du lịch hồ phía Tây huyện và các di tích lịch sử như chùa Hang, Truông Gia Vấn…; kết nối với tuyến du lịch từ Quy Nhơn đi Phù Cát tạo thành tuyến du lịch xuyên suốt dọc theo phía Đông của tỉnh.
6. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng xã hội:
Quy hoạch công trình giáo dục đào tạo, y tế, văn hoá, thể dục thể thao, công trình thương mại, chợ, khu vực hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn… phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương, đáp ứng các tiêu chí nông thôn mới.
7. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật:
7.1. Định hướng giao thông:
a) Giao thông đối ngoại:
- Đối với tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, tuyến đường sắt Bắc Nam, tuyến đường sắt tốc độ cao, tuyến đường QL1, tuyến tránh QL1, tuyến đường ven biển ĐT.639 (Nhơn Hội – Tam Quan) thực hiện theo định hướng giao thông Quốc gia.
- Tuyến đường ĐT.638 (Chương Hòa – Long Vân), tiêu chuẩn đường cấp IV, giai đoạn sau năm 2035 nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III; đường ĐT.632 (Phù Mỹ – Bình Dương), nâng cấp toàn tuyến đạt tối thiểu tiêu chuẩn đường cấp IV. Xây dựng mới tuyến đường kết nối từ ĐT.638 đến tuyến đường ven biển ĐT.639, quy mô tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng.
Tuyến Lạc Sơn – Tân Phụng, có tính chất kết nối vùng phía Tây với vùng phía Đông, đi qua địa bàn các xã Mỹ Trinh, Mỹ Chánh Tây, Mỹ Phong, quy mô tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp V.
b) Giao thông đối nội:
- Nâng cấp các tuyến đường huyện, quy mô đạt tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng và cấp IV vùng núi; hoàn thiện, nâng cấp một số tuyến đường huyện quan trọng như tuyến đường Đèo Nhông – Mỹ Thọ, tuyến đường Nhà Đá – An Lương, tuyến đường QL1 – Truông Gia Vấn, tuyến đường Văn Trường – Mỹ Thắng; Đường cứu hộ, cứu nạn kết nối từ QL1 đi qua xã Mỹ Đức đến giáp đường ven biển ĐT.639, trên cơ sở định hướng quy hoạch giao thông tỉnh.
- Phát triển mạng lưới giao thông đô thị hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách, lưu thông thuận lợi trong và ngoài đô thị; xây mới và nâng cấp các tuyến đường trục chính đi qua trung tâm thị trấn, đường nối các khu vực,… Kế thừa và phát triển mạng lưới đường giao thông nông thôn hiện có; đầu tư nâng cấp đảm bảo phục vụ dân sinh và vận chuyển hàng hóa nông, lâm nghiệp; kết nối với hệ thống đường quốc gia, đường tỉnh và đường huyện, đảm bảo chỉ tiêu tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng của từng đô thị phải đạt từ 16-26% theo định hướng Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ và Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 20/3/2023 của Tỉnh uỷ Bình Định thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị.
- Hoàn thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn theo tiêu chí giao thông trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phù hợp với chiến lược phát triển giao thông tỉnh Bình Định.
- Xây dựng, hoàn thiện hệ thống neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền theo quy hoạch đã được phê duyệt.
c) Công trình đầu mối giao thông:
Nâng cấp, xây dựng bến xe ở đô thị trung tâm các tiểu vùng, các đô thị mới, cải tạo nâng cấp các bến xe tại các trung tâm xã hiện hữu; quy hoạch bến xe theo định hướng quy hoạch giao thông đã được phê duyệt gồm: Bến xe Phù Mỹ, Bến xe khách Bình Dương, Bến xe khách An Lương, Bến xe khách Mỹ Thọ,… và định hướng hình thành bến xe Mỹ An giai đoạn sau năm 2035. Quy hoạch xây dựng các bãi đậu xe tại các trung tâm khu đô thị, các khu du lịch, trung tâm thương mại,… đáp ứng cho nhu cầu phục vụ và phù hợp theo quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan về quy hoạch xây dựng.
Xem chi tiết Quyết định Về việc phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Phù Mỹ đến năm 2035: 1536-qd-ubnd-phe-duyet-qhxd-vung-huyen-phu-my-binh-dinh-den-nam-2035