Ngày 5.4, Sở Xây dựng tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về quy hoạch chung xây dựng khu vực đầm Trà Ổ, huyện Phù Mỹ, đến năm 2035. Ðây là quy hoạch rất quan trọng, bởi vừa quy hoạch vùng vừa chịu tác động nhiều yếu tố về bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển vùng rộng lớn của địa phương.
Ngày 24.3.2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định 888/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5.000 khu vực đầm Trà Ổ, đến năm 2035. Sở Xây dựng đã phối hợp với đơn vị tư vấn tổ chức khảo sát thực địa, rà soát các quy hoạch cấp trên, phối hợp lấy ý kiến sở, ngành và địa phương trong việc đề xuất các định hướng quy hoạch chung xây dựng khu vực này.
Danh Mục Bài Viết
Cần được bảo vệ nghiêm ngặt!
Theo ông Trần Viết Bảo, Giám đốc Sở Xây dựng, đầm Trà Ổ hiện là đầm nước ngọt lớn nhất tỉnh, là điển hình cho hệ thống đầm phá nhiệt đới ven biển miền Trung, nằm trên địa bàn 4 xã của huyện Phù Mỹ (Mỹ Châu, Mỹ Thắng, Mỹ Đức, Mỹ Lợi). Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 – 2023, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch xây dựng vùng huyện Phù Mỹ đến năm 2035 xác định: Khu vực đầm Trà Ổ thuộc vùng hạn chế phát thải, vùng đệm của các vùng bảo vệ nghiêm ngặt; vùng đất ngập nước quan trọng; hành lang bảo vệ nguồn nước mặt được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt, khu vui chơi giải trí dưới nước; khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường, dễ bị tổn thương trước tác động của ô nhiễm môi trường. Khu vực được định hướng phát triển theo hướng bảo tồn đa dạng sinh học đầm nước ngọt Trà Ổ, kết hợp phát triển du lịch sinh thái cao cấp, du lịch cộng đồng trên cơ sở bảo tồn và phát triển cảnh quan tự nhiên, văn hóa khu vực.
Theo Công ty CP Tư vấn Xây dựng Tổng hợp (Nagecco) – đơn vị tư vấn quy hoạch, khu vực lập quy hoạch thuộc địa bàn các xã: Mỹ Thắng, Mỹ Đức, Mỹ Châu và Mỹ Lợi, với quy mô khoảng 5.635 ha.
Đối với mục tiêu bảo tồn và phát triển hệ sinh thái vùng đất ngập nước Trà Ổ, quy hoạch đề xuất nâng mực nước lòng đầm, ưu tiên quy hoạch mở rộng vùng lòng đầm nhằm tăng khả năng chứa nước (kết hợp đề xuất của Sở NN&PTNT nâng dung tích chứa nước đầm Trà Ổ). Quy hoạch nâng dung tích hồ chứa nước dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và các hoạt động phát triển kinh tế khác.
Đối với việc ổn định, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, tính toán kết hợp phát triển kinh tế khu vực từ việc khai thác lợi thế về cảnh quan tự nhiên đặc trưng, quỹ đất, mặt nước, vị trí nằm trên hành lang phát triển du lịch ven biển của tỉnh (ĐT 639), văn hóa địa phương… theo định hướng trở thành trung tâm phát triển du lịch mới phía Bắc huyện Phù Mỹ. Trong đó, ưu tiên phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái đầm, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm nông nghiệp nhằm tạo công ăn việc làm, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông, lâm, ngư nghiệp sang thương mại, dịch vụ, tăng thu nhập cho người dân.
Định hướng phát triển đô thị, du lịch
Cùng với đề nghị bổ sung đánh giá hiện trạng hệ sinh thái, tình trạng bồi lấp đáy hồ của đầm Trà Ổ, ông Phan Trọng Hổ, thành viên Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh, cho rằng sản xuất nông nghiệp của khu vực này rất bấp bênh. Vì vậy, quy hoạch cần mạnh dạn đề xuất không nên quá đặt nặng quy hoạch sản xuất nông nghiệp khi hiệu quả không cao, mà cần tính toán việc chuyển đổi cơ cấu, quy hoạch du lịch cộng đồng.
Đồng quan điểm, ông Đào Quý Tiêu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Bình Định, gợi mở vấn đề cần thiết đặt khu vực nghiên cứu đầm Trà Ổ ra những vùng tác động khác từ thị trấn Bình Dương, xã Mỹ An, ra đến vùng phía Bắc của TX Hoài Nhơn. “Đặt trong tổng thể này thì tác động của đô thị, của sản xuất công nghiệp… đến khu vực đầm Trà Ổ rất lớn. Thứ đến là khu vực Hà Ra – Phú Thứ, dù hiện nay chưa phát triển đô thị nhưng định hướng quy hoạch của tỉnh thì thời gian sắp tới sẽ khác, do đó phải tính đến tác động lan tỏa của chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực này đến khu vực đầm Trà Ổ”, ông Tiêu nói thêm.
Trong khi đó, dẫn chứng với định hướng quy hoạch tỉnh tầm nhìn đến năm 2050 địa bàn huyện Phù Mỹ có sự phát triển của công nghiệp, cảng biển, ông Phan Viết Hùng, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, cho rằng cần xác định rõ khu vực cần bảo tồn, sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, phải có định hướng phát triển đô thị, du lịch khu vực xung quanh đầm gắn với cảng biển, khu công nghiệp; khu vực phát triển đô thị, du lịch.
Ở góc độ của địa phương, ông Lê Văn Lịch, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho hay phạm vi nghiên cứu làm quy hoạch cho khu vực đầm Trà Ổ cần được mở rộng toàn bộ phía Bắc huyện, bao gồm 28.000 ha của 9 xã, thị trấn để có đánh giá tổng thể tác động từ các đô thị xung quanh.
“Việc quy hoạch khu vực đầm Trà Ổ phải đảm bảo 2 mục tiêu quan trọng. Đó là bảo tồn và phát triển sự đa dạng hệ sinh thái khu vực đầm; phát triển đô thị và nông thôn, du lịch sinh thái phục vụ phát triển KT-XH. Trong đó phải giải quyết cho được “bài toán” mâu thuẫn giữa phát triển hệ sinh thái và phát triển KT-XH”, ông Lịch nhấn mạnh.
Theo Mai Hoàng – Báo Bình Định
Ảnh: Nguyễn Phan Dũng Nhân