Quy chế quản lý kiến trúc đô thị Tây Sơn được UBND tỉnh phê duyệt tháng 8.2023 có phạm vi áp dụng cho 9 đơn vị hành chính thuộc khu vực nội thị theo quy hoạch định hướng đô thị Tây Sơn.
Theo đó, các đơn vị hành chính thuộc khu vực nội thị áp dụng quy chế này gồm: Thị trấn Phú Phong, các xã: Tây Giang, Bình Tường, Tây Phú, Tây Xuân, Bình Nghi, Bình Thành, Bình Hòa; riêng xã Tây Bình áp dụng quy chế này khi đã hình thành đô thị. Đồng thời, khuyến khích áp dụng quy chế này đối với các xã còn lại.
Quy chế quản lý kiến trúc đô thị Tây Sơn là cơ sở quan trọng để quản lý, thực hiện theo quy hoạch đô thị được duyệt và thực hiện việc xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị. Ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho hay: Đây còn là một trong những căn cứ để lập đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, thiết kế đô thị riêng và cấp giấy phép xây dựng; quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về kiến trúc của các cấp chính quyền và cơ quan, đơn vị liên quan. Là cơ sở để lập kế hoạch triển khai thực hiện thiết kế đô thị riêng, chỉnh trang không gian kiến trúc cảnh quan các khu dân cư hiện hữu; lập danh mục các dự án cải tạo đô thị…
Quy chế xác định các nguyên tắc đối với khu vực có yêu cầu quản lý đặc thù, bao gồm: Các khu vực có ý nghĩa quan trọng về cảnh quan (6 khu vực chính và các tuyến hành lang thoát lũ kết hợp cây xanh cảnh quan); 13 trục đường chính có tính chất đặc biệt quan trọng về hành chính, thương mại, du lịch; 21 khu vực di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo tồn từ cấp tỉnh, quốc gia trở lên; 4 quảng trường và công viên lớn; và 3 khu vực cửa ngõ đô thị.
Đối với khu vực có yêu cầu quản lý đặc thù, việc quản lý quy hoạch, không gian, kiến trúc, cảnh quan thực hiện theo quy hoạch chung, các quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết được duyệt tạo điểm nhấn kiến trúc cho khu vực nội thị. Bảo tồn các di tích, danh lam thắng cảnh theo Luật Di sản văn hóa và các quy định hiện hành khác có liên quan. Việc xây dựng các công trình tại khu vực có địa hình đặc thù phải hạn chế tối đa việc làm biến dạng địa mạo, địa hình tự nhiên… Khu vực lập thiết kế đô thị riêng được xác định là các khu vực cửa ngõ của đô thị, khu công viên lớn, không gian công cộng.
Đô thị Tây Sơn xác định 8 tuyến phố thiết kế đô thị riêng. Khu vực ưu tiên cải tạo, chỉnh trang các khu vực dân cư tập trung nằm trong khu đô thị phía Đông đường Nguyễn Huệ, khu đô thị phía Nam QL 19, khu đô thị Phú Hòa, khu đô thị Hòa Lạc, khu đô thị Bắc Sông Kôn, khu vực phía Tây Bảo tàng Quang Trung… 4 tuyến phố ưu tiên cải tạo, chỉnh trang là tuyến Phan Đình Phùng nối dài, Bùi Thị Xuân, Đống Đa, Võ Văn Dõng.
Ông Phan Chí Hùng cho biết thêm, định hướng kiến trúc, không gian cảnh quan xây dựng đô thị Tây Sơn có không gian kiến trúc cảnh quan mang đậm dấu ấn lịch sử và bản sắc văn hóa Tây Sơn- Bình Định. Trong đó, không gian trung tâm là lõi đô thị Phú Phong hiện hữu mở rộng, khu vực bờ Bắc sông Côn gồm các khu vực xã Bình Thành, Bình Hòa; khu vực phía Nam là khu vực Phú Hòa và không gian hai bên bờ sông Côn thu hút các hoạt động công cộng đô thị, thương mại dịch vụ, dịch vụ du lịch. Đây sẽ là bộ mặt chính tạo nên bản sắc đô thị di tích lịch sử và du lịch Tây Sơn.
Vùng đô thị hiện hữu là khu vực trung tâm đô thị Phú Phong hiện có, các công trình di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng có định hướng cải tạo, bảo tồn, chỉnh trang mỹ quan đô thị, tăng cường tiện ích công cộng đồng thời kết hợp với các hoạt động du lịch để nâng cao giá trị và bản sắc lịch sử văn hóa địa phương.
Vùng phát triển đô thị mới mở rộng không gian được xác định quanh trục 9 khu đô thị mới: Khu đô thị Bắc sông Kôn, khu đô thị Bình Thành, khu đô thị Bình Hòa, khu đô thị Tây Bình, khu đô thị Hòa Lạc, khu đô thị Phú Hòa, khu đô thị Phú An, khu đô thị Bình Tường, khu đô thị Tây Giang. Đây là các khu vực phát triển mới của Tây Sơn về dịch vụ thương mại, công cộng cho phát triển đô thị năng động.
Theo Mai Hoàng – Báo Bình Định