Cần đột phá để phát triển du lịch các địa phương phía Bắc tỉnh Bình Định

Ða dạng về tài nguyên thiên nhiên như biển, núi, đầm, rừng…; điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tốt; thích hợp để xây dựng nhiều mô hình phát triển du lịch, nhưng hoạt động du lịch ở các địa phương phía Bắc tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Nhiều lợi thế để phát triển du lịch

Cùng với tài nguyên thiên nhiên, địa hình và cảnh quan đa dạng, phong phú, khu vực phía Bắc tỉnh còn có sự đa dạng về văn hóa như văn hóa miền biển, miền núi, làng nghề, các di tích văn hóa lịch sử…, đây là những lợi thế để phát triển du lịch.

Với đường bờ biển trải dài, nhiều thắng cảnh đẹp nằm ở những địa thế kỳ vĩ, như Lộ Diêu (Hoài Mỹ), Bãi Con (Hoài Hải), La Vuông (Hoài Sơn)…, TX Hoài Nhơn có thể xây dựng, phát triển các loại hình, dịch vụ du lịch sinh thái biển. Thị xã cũng hoàn thành đầu tư, tôn tạo các công trình tại các di tích: Cuộc biểu tình năm 1931 tại Cây số 7 Tài Lương; bãi biển Lộ Diêu – nơi cập bến Tàu Không số…

Cũng có lợi thế về biển, huyện Phù Mỹ đang từng bước khai thác sản phẩm du lịch biển đảo từ Hà Ra (Mỹ Đức) tới Đề Gi (Mỹ Thành), gắn với tìm hiểu đời sống văn hóa, phong tục, tập quán của ngư dân, đặc biệt làng chài Tân Phụng; phát triển loại hình du lịch khám phá, mạo hiểm (leo núi, cắm trại, câu cá, mực, lặn ngắm san hô…). Ngoài ra, du lịch sinh thái trải nghiệm trên đầm Trà Ổ; tham quan và sử dụng sản phẩm của làng bí đao khổng lồ Mỹ Thọ… cũng thu hút sự quan tâm của du khách.

Trong khi đó, miền núi An Lão thực hiện tốt công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số (dân tộc Bana, Hre), từng bước hình thành loại hình du lịch cộng đồng gắn với sinh thái núi, rừng và các sản phẩm nông nghiệp, đặc sản của địa phương, nhất là điểm du lịch An Toàn – nơi có khí hậu mát mẻ quanh năm và hệ sinh thái tự nhiên đa dạng tạo nên sức hút riêng cho du lịch An Lão trong tương lai. Đặc biệt, công trình hồ thủy lợi Đồng Mít hứa hẹn nhiều ý tưởng khai thác du lịch đặc sắc thời gian tới.

Định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch, huyện Hoài Ân đã xây dựng nhiều trang trại, gia trại, hình thành các thương hiệu lớn như: Chè Gò Loi, bưởi da xanh… Cùng với đó, vùng trung du này còn có nhiều danh lam, thắng cảnh tự nhiên ấn tượng như suối Bà Nhỏ, thác Đá Vàng (Ân Hảo Đông), thác đổ Tân Xuân (Ân Hảo Tây)…

Tuy nhiên, đến nay hoạt động du lịch ở các địa phương phía Bắc tỉnh vẫn còn hạn chế. Nói về nguyên nhân, Giám đốc Sở Du lịch Trần Văn Thanh chỉ rõ: “Sản phẩm du lịch còn thô sơ, rời rạc, giá trị thấp, chưa được đầu tư phát triển nhiều; hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch còn yếu; cơ sở lưu trú và nhà hàng chất lượng cao còn ít; khả năng liên kết sản phẩm, chương trình du lịch với khu vực phía Nam tỉnh và các địa phương phụ cận còn yếu; hoạt động du lịch chưa đồng bộ, bị ảnh hưởng theo mùa, nhất là mùa mưa bão”.

Cần đầu tư mạnh mẽ hơn

Thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU của Tỉnh ủy, các huyện, thị xã đã ban hành các chương trình, kế hoạch để phát triển du lịch của địa phương. Theo đó, nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền từ thị xã, huyện đến cơ sở về công tác phát triển du lịch từng bước được nâng cao, hoạt động du lịch khu vực phía Bắc tỉnh bắt đầu có những chuyển biến tích cực. Gần đây, hạ tầng giao thông tại các địa phương được đầu tư, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối đến khu, điểm du lịch, các trục đường xương cá nối QL 1 với các tuyến đường phía Đông và phía Tây tỉnh.

Tuy nhiên, số lượng khách du lịch chỉ đạt hơn 31.000 lượt khách năm 2018 và 35.000 lượt khách năm 2019, chủ yếu khách trong tỉnh, khu vực và lân cận; doanh thu du lịch đạt khoảng 14,2 tỷ đồng năm 2018 và hơn 17 tỷ đồng năm 2019. Những con số trên cho thấy hoạt động du lịch ở 4 địa phương phía Bắc tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Điều này một phần xuất phát từ việc các địa phương chưa coi du lịch là một ngành quan trọng trong cơ cấu kinh tế, chưa đưa ra chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn để đánh thức tiềm năng sẵn có, chưa chủ động trong kết nối và hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng từng địa phương. Hạ tầng phục vụ khách du lịch còn khá nghèo nàn, nên rất cần thêm nhiều nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm khai mở.

Ông Trần Văn Thanh cho biết: “Sau khi hình thành các sản phẩm du lịch, các địa phương cần đẩy mạnh công tác quảng bá, để hình ảnh của địa phương được nhiều người biết đến, kích thích nhu cầu khám phá, trải nghiệm. Thời gian tới, Sở Du lịch sẽ tăng cường kết nối các hãng lữ hành để khảo sát điểm đến, qua đó xây dựng tour đưa khách từ TP Quy Nhơn đến với các địa phương phía Bắc tỉnh”.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn Trần Hữu Thảo khẳng định thị xã sẽ ưu tiên phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch làng nghề và du lịch văn hóa – lịch sử. Hoài Nhơn đang kêu gọi nhà đầu tư triển khai các dự án tại địa bàn, trong đó tập trung ở khâu đầu tiên là cơ sở lưu trú, nhà hàng đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. “Đợt khảo sát gần đây cho thấy thị xã có khoảng 1.000 phòng, nhưng phần lớn là nhà nghỉ, khách sạn nhỏ. Hiện tại phường Tam Quan đã có 1 khách sạn 4 sao do Tập đoàn Hưng Thịnh xây dựng hoàn thiện phần thô; phường Bồng Sơn có 1 nhà đầu tư đăng ký xây dựng khách sạn 4 sao với quy mô 7 tầng… Để đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách du lịch cần có thêm nhiều khách sạn 3 – 4 sao”, ông Thảo cho hay.

Không chỉ TX Hoài Nhơn, các huyện Phù Mỹ, Hoài Ân, An Lão đều đang cần những nhà đầu tư đủ tầm nhằm khai thác có hiệu quả các khu, điểm du lịch, tạo sức bật cho địa phương.

Theo Báo Bình Định

TIN TỨC KHÁC

1