Được xem là cửa ngõ ra – vào các tỉnh Tây Nguyên và nằm trên hành lang phát triển kinh tế Đông – Tây, huyện Tây Sơn đang nỗ lực để trở thành cực tăng trưởng phía Tây tỉnh. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, Tây Sơn phấn đấu về đích huyện nông thôn mới vào năm 2023, đạt chuẩn đô thị loại IV vào năm 2024 và trở thành thị xã trước năm 2030.
Danh Mục Bài Viết
Đổi thay trên vùng “đất lửa”
Ngược QL 19 về thăm vùng căn cứ địa cách mạng xã Tây Phú (trước đây là xã Bình Phú) vào những ngày cuối tháng 4 lịch sử, chúng tôi được chứng kiến sự thay đổi diệu kỳ của vùng quê một thời được xem là “đất lửa” của huyện Tây Sơn.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Tây Phú là vùng căn cứ che chở cán bộ cách mạng hoạt động, gánh chịu nhiều đau thương, mất mát do bom đạn của quân thù rải xuống. Vùng đất khói lửa một thời ấy bây giờ đã thay da đổi thịt, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư khá hoàn thiện, nhà cửa xây dựng khang trang, đời sống nhân dân sung túc, ấm no.
Chủ tịch UBND xã Tây Phú Nguyễn Văn Sơn cho biết: Cú huých để đưa địa phương tăng tốc phát triển gần đây là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ sự quan tâm đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng của Nhà nước, lòng quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, KT-XH của địa phương ngày càng phát triển nhanh và bền vững.
Tốc độ tăng trưởng các ngành sản xuất của Tây Phú trong 5 năm trở lại đây luôn đạt bình quân trên 15%/ năm. Hiện, toàn xã có tới 332 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại chỗ. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của người dân trong xã đạt 51,2 triệu đồng/năm, tăng 1,25 lần so với năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2%. Hiện, xã đã hoàn thành 13/13 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.
Nói về sự phát triển đi lên của quê hương, ông Trần Văn Thụ, ở thôn Phú Thịnh (xã Tây Phú) phấn khởi: “Đổi thay nhiều lắm, không kể hết đâu. Sướng nhất là đường sá bây giờ được nâng cấp, mở rộng, thảm nhựa chạy bon bon, lưu thông hàng hóa nông sản thuận lợi. Trước đây, con em ở địa phương phải tất tả vào Nam tìm việc mưu sinh. Bây giờ, ngay tại địa phương có nhiều DN về mở nhà xưởng sản xuất, tuyển lao động may, đóng giày, lương tháng 5 – 7 triệu đồng”.
Không chỉ Tây Phú, hầu hết các xã, thị trấn ở huyện Tây Sơn thời gian gần đây đã nỗ lực vươn mình phát triển mạnh mẽ. Bí thư Huyện ủy Tây Sơn Lê Bình Thanh cho biết: Để phát triển bền vững, từ sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, huyện đã kịp thời xây dựng và triển khai 4 chương trình hành động cụ thể. Trong đó, chú trọng phát triển và nâng cao hiệu quả các hoạt động thương mại, dịch vụ; đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng.
Thời gian qua, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 nhưng nền KT-XH của địa phương vẫn có nhiều điểm sáng tích cực. Riêng năm 2021, tổng giá trị của các ngành sản xuất chính đạt hơn 16.203 tỷ đồng, tăng 10,3% so với năm 2020; thu ngân sách hơn 786 tỷ đồng, tăng 26,6% so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Đến nay, huyện đã có 12/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Vươn tầm đô thị trong tương lai
Theo Bí thư Huyện ủy Tây Sơn Lê Bình Thanh, những kết quả đạt được thời gian qua là nền tảng, cơ sở vững chắc để địa phương thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển KT-XH trong cả nhiệm kỳ 2020 – 2025. Lộ trình địa phương đề ra là sẽ về đích huyện nông thôn mới vào năm 2023, đạt chuẩn đô thị loại IV vào năm 2024, vươn tầm thị xã trước năm 2030.
Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Phan Chí Hùng cho hay: Trên cơ sở Đồ án quy hoạch chung đô thị Tây Sơn đến năm 2035 được UBND tỉnh công bố, địa phương đang tập trung lập quy hoạch 1/2.000 đối với 9 phân khu dự kiến phát triển thành phường, với tổng diện tích 4.097 ha, gồm các khu đô thị: Phú Hòa, Bắc Sông Côn, Hòa Lạc, Bình Tường, Bình Thành, Phú An, Bình Hòa, Tây Bình và điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung đô thị loại V xã Tây Giang.
Cùng với công tác triển khai các Đồ án quy hoạch, huyện Tây Sơn đang tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị, tập trung thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp để đảm bảo tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, huyện sẽ thi công xây dựng mới, đồng thời nâng cấp, sửa chữa hàng chục tuyến giao thông quan trọng khác nhằm tạo tiền đề cho phát triển đô thị. Trong đó, đáng chú ý là tuyến đường tránh phía Nam thị trấn Phú Phong (dài khoảng 18 km), với tổng vốn đầu tư khoảng 816 tỷ đồng. Đây là dự án trọng điểm mở ra cơ hội phát triển cho huyện Tây Sơn trong tương lai gần.
Với sự đoàn kết, quyết tâm cao trong toàn Đảng bộ và trách nhiệm với nhân dân, thời gian tới, huyện Tây Sơn chắc chắn sẽ có sự bứt phá vươn lên mạnh mẽ, xứng đáng trở thành khu vực phát triển năng động, là trung tâm KT-XH của tỉnh.
Theo Báo Bình Định