Bình Định đẩy mạnh kết nối biển, phát triển hài hòa công nghiệp, nông nghiệp và du lịch

“Cung đường ngàn tỉ” ven biển từ Quy Nhơn đến Hoài Nhơn và những con đường kết nối các khu công nghiệp, sân bay, trung tâm đô thị phía tây chạy về phía biển được kỳ vọng hiện thực hóa tỉnh sớm thành trung tâm kinh tế biển.
Ngày cuối năm 2021, ông Nguyễn Xuân Lý, một người dân ở thôn Vĩnh Hội (xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), chạy xe máy chầm chậm trên đường Cát Tiến – Đề Gi rộng thênh thang lượn theo bờ biển để tận hưởng cảnh sơn thủy hữu tình mê mẩn nơi đây.
Hai bên đường, cả phía bờ biển lẫn phía núi hoang sơ, giờ đang mọc lên nhiều resort, khu du lịch hòa quyện với thiên nhiên.
Ông Lý dừng xe ở điểm cao của con đường, phóng tầm mắt về phía bán đảo Phương Mai, nơi những trụ quạt điện gió khổng lồ, vạm vỡ đang ngửa mặt ra biển đón gió quay tít, biến thành nguồn điện sạch. TP Quy Nhơn cách đó vài chục cây số thu vào tầm mắt ông như gần hơn.

Đẩy mạnh kết nối biển

“Đường ven biển ĐT 639 rộng mở này hoàn thành thì các dự án du lịch, đô thị được công bố quy hoạch ở quê tôi chắc là sớm hình thành. Tôi hình dung làng biển nghèo này sẽ sớm “lên đời”, hiện đại, dân có nhiều việc làm ổn định, thu nhập chắc chắn khá hơn hẳn lao động chân tay luôn khó khăn bao đời nay” – ông Lý bày tỏ niềm tin.
Cung đường ven biển dài gần 120km chia thành nhiều dự án nhỏ khác nhau để đầu tư trong nhiều giai đoạn. Đã có 3 dự án của các đoạn Cát Tiến – Đề Gi, Đề Gi – Mỹ Thành, cầu Lại Giang – cầu Thiện Chánh tổng chiều dài gần 34km (trong đó có cầu vượt đầm Đề Gi) tổng mức đầu tư hơn 2.400 tỉ đồng, sắp hoàn thành.
Các dự án tiếp theo của đường ven biển này gồm đoạn nối từ quốc lộ 1D đến quốc lộ 19 mới, đoạn Cát Tiến – Diêm Vân đã được đưa vào danh mục dự án đầu tư trọng điểm sử dụng vốn trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định đặt kỳ vọng cung đường ven biển này hoàn thành sẽ kéo theo sự phát triển của hàng loạt dự án du lịch, bất động sản, khu đô thị và công nghiệp.
“Làm con đường ven biển thông suốt từ Quy Nhơn đến Hoài Nhơn, chạy song song với quốc lộ 1, là khát khao và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định.
Xác định lợi thế lớn nhất của Bình Định là biển, nên con đường ven biển này sẽ tạo động lực, sức bật quan trọng cho sự phát triển của quê hương.
Thời gian qua và hiện nay chúng tôi còn tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng hướng biển để khai thác các tiềm năng, lợi thế vượt trội ở khu vực biển nhằm tạo sức bật mạnh mẽ cho nền kinh tế” – ông Nguyễn Phi Long, chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nói vậy.
Cùng với đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường động lực ven biển, Bình Định đã đưa vào danh mục dự án trọng điểm đầu tư 5 năm tới làm 3 con đường kết nối trung tâm các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ và thị xã An Nhơn xuống đến đường ven biển này với hy vọng “động lực kéo theo động lực” cho sự phát triển.
Năm ngoái Bình Định hoàn thành 3 tuyến đường kết nối biển hiện đại, rộng và đẹp như đường… cao tốc, gồm quốc lộ 19 mới đoạn từ cảng Quy Nhơn đến giao quốc lộ 1 dài gần 18km, đường phía tây tỉnh kết nối phía tây nam cửa ngõ TP Quy Nhơn đến Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định dài hơn 14,3km, tuyến đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội nối dài từ Cảng hàng không Phù Cát về Khu kinh tế Nhơn Hội dài 18,5km.
“Từ sân bay Phù Cát về TP biển Quy Nhơn, mỗi chiều đường 2 làn ôtô, 1 làn xe máy rộng thênh, xe hơi chạy tốc độ 90km/h, thời gian như ngắn hẳn lại, chẳng bù cho trước đây đường sá chật chội, nguy hiểm, xe phải chạy kiểu “rùa bò” hoặc dừng hẳn lại để tránh nhau.
Nay mai, những tuyến đường mới khác ở Bình Định tiếp tục mở ra, tôi tin nhà đầu tư và du khách sẽ đến với tỉnh nhiều hơn, quê hương “đất võ trời văn” sẽ cất cánh mạnh mẽ hơn” – ông Nguyễn Đình Tâm, một người quê Bình Định đang sinh sống ở TP.HCM, nhận xét như vậy.
Theo ông Nguyễn Phi Long, cùng với việc tỉnh đầu tư hoàn thiện tuyến đường ven biển, đường kết nối các địa phương phía tây về phía biển, là hy vọng đường cao tốc Bắc – Nam đoạn Quảng Ngãi – Bình Định sẽ được Quốc hội đồng ý cho triển khai giai đoạn 2021 – 2025.
“Như vậy có thể nói trong vài năm tới, hệ thống kết cấu hạ tầng của Bình Định sẽ hoàn chỉnh đồng bộ khi có 3 trục đường hướng Bắc – Nam gồm đường cao tốc, quốc lộ 1 và đường ven biển cùng hệ thống đường Đông – Tây đã và đang được đầu tư. Đây là một thế mạnh nữa của Bình Định để thu hút nhà đầu tư bên cạnh lợi thế về biển” – ông Long hy vọng.

Kỳ vọng đột phá từ biển

Ông Nguyễn Thành Hải – giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bình Định – nói năm 2021, dù dịch COVID-19 hoành hành nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn tha thiết đến với Bình Định. “Ngoài thiên thời, địa lợi, chính sách thu hút đầu tư và cải cách hành chính mạnh mẽ, thì kết cấu hạ tầng được đầu tư hoàn thiện, kết nối thông suốt giữa các vùng với nhau” – ông Hải nhận xét.
Bằng chứng rõ ràng nhất là các vị lãnh đạo Tập đoàn Kurz của Đức đã liên tục đến Bình Định trong suốt 2 năm 2020, 2021 để tìm hiểu và cuối cùng quyết định đầu tư 40 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất nhũ và màng mỏng công nghệ cao tại Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định.
Đây là dự án đầu tư đầu tiên vào khu công nghiệp công nghệ cao được kỳ vọng thu hút khoảng 2 tỉ USD vốn đầu tư và mỗi năm đóng ngân sách 400 tỉ đồng này.
Ông Andreas Hirschfelder – phó tổng giám đốc Tập đoàn Kurz – cho hay lãnh đạo tập đoàn đã khảo sát 20 khu công nghiệp tại 10 tỉnh thành ở Việt Nam trước khi chọn Bình Định là nơi đầu tư. Bày tỏ về lý do của lựa chọn này, ông nói đó là vì lãnh đạo tỉnh rất thiện chí, cơ sở hạ tầng, giao thông, hệ thống cảng biển ở Bình Định rất tốt, môi trường đầu tư lý tưởng.
Vào cuối năm 2021, cảng Quy Nhơn khởi công dự án nâng cấp bến cảng số 1 với tổng mức đầu tư 546 tỉ đồng nhằm đảm bảo tiếp nhận đồng thời 2 tàu hàng tổng hợp, tàu container 30.000 tấn (DWT) đầy tải.
Đây là dự án đầu tiên trong nhiều dự án của cảng này, nhằm hiện thực hóa quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 mở rộng cảng Quy Nhơn đến năm 2030 mà UBND tỉnh Bình Định phê duyệt hồi tháng 9-2020 với mục tiêu quy hoạch phát triển mở rộng cảng Quy Nhơn thành một trong những cảng biển hiện đại mang tầm khu vực, đầu mối khu vực (loại 1) của nhóm cảng biển Nam Trung Bộ.
Ông Phạm Anh Tuấn – phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, chủ tịch HĐQT Công ty CP Cảng Quy Nhơn – nhận xét việc tỉnh Bình Định đầu tư các tuyến đường vành đai đã tạo hạ tầng thuận lợi kết nối cảng Quy Nhơn với quốc lộ 19 và quốc lộ 1, kịp thời đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa cho vùng hậu phương rộng lớn, có kinh tế phát triển với các khu công nghiệp, khu chế xuất hàng hóa.
Qua đó tạo điều kiện rất tốt để cảng Quy Nhơn tiếp tục nắm giữ vị trí là đầu mối giao thông quan trọng, cửa ngõ ra Biển Đông của khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và các nước trong tiểu vùng sông Mekong.
Còn ông Trần Quốc Dũng – phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh – nói rằng lợi thế của Bình Định là có bờ biển dài và đẹp, tỉnh lại đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối hướng biển, tạo sức hút mạnh mẽ cho các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
“Tập đoàn Hưng Thịnh đang đầu tư nhiều dự án lớn, đồng bộ ở khu vực ven TP Quy Nhơn và tỉnh Bình Định. Chúng tôi có kế hoạch kết nối các dự án này thành chuỗi dự án bất động sản, du lịch biển, sinh thái, xanh.
Làm ăn tại Bình Định, điều chúng tôi ấn tượng là lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở ngành tạo điều kiện rất tốt cho các doanh nghiệp về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng… để dự án được triển khai sớm nhất. Đây là “điểm cộng” của Bình Định” – ông Dũng nói.
Với góc độ chuyên gia, TS Trần Du Lịch – một người con của Bình Định – nói rằng tỉnh này có 5 trụ cột phát triển kinh tế.
  • Thứ nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với khu kinh tế, kinh tế ven biển, tập trung là khu Becamex VSIP Bình Định.
  • Thứ hai là cảng logistics, mở thêm cảng cạn, Bình Định có tiềm năng số 1 ở miền Trung.
  • Thứ ba là du lịch, nhất là du lịch biển đảo và văn hóa.
  • Thứ tư là nông nghiệp, ngư nghiệp công nghệ cao
  • Thứ năm là phát triển đô thị gắn với thị trường bất động sản.
“Tất cả 5 trụ cột đó đều xoay quanh lợi thế về biển. Bình Định còn làm đường ven biển, theo tôi đây mới là không gian kinh tế chính trong tương lai của tỉnh này chứ không phải là quốc lộ 1” – ông Lịch nhận định.
Về lâu dài, theo ông Nguyễn Phi Long, cùng với hoàn thiện hạ tầng giao thông, Bình Định còn tập trung lập quy hoạch chung của tỉnh mà điểm nhấn là vùng ven biển.
Trục ven biển sẽ hình thành một số khu đô thị, TP vệ tinh, không để đô thị Quy Nhơn bị dồn nén; gắn vào đó là các khu dịch vụ, khu công nghiệp và một số khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão phục vụ cho hoạt động nghề cá.
Theo Tuổi Trẻ
Ảnh: Zing

TIN TỨC KHÁC

1